Giải thưởng Làn sóng xanh khi tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997 đã gây được tiếng vang và uy tín trong làng nhạc Việt. Nhưng giờ đây, sau 15 năm, đang tồn tại một nghịch lý giải thưởng âm nhạc: Nghệ sĩ không phải là nhân vật chính trên sân khấu giải thưởng.
Đàm Vĩnh Hưng - Hồ Ngọc Hà đã quá quen thuộc với các giải thưởng âm nhạc Việt
Có thể kể ra hoàng loạt các giải thưởng hiện nay dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Từ những giải chuyên sâu như: Cống hiến, Ngôi sao bạch kim, Video âm nhạc Việt, Zing music Awards, Bài hát Việt... cho đến những giải nhiều lĩnh vực, trong đó có hạng mục âm nhạc như: Mai Vàng, HTV Award... Các giải thưởng âm nhạc được "đẻ" ra nhiều đến mức người ta không thể nhớ nổi.
Có nghệ sĩ chua chát nhận xét rằng giá trị của những giải thưởng bây giờ đã giảm sút hẳn. Dễ thấy, lễ trao giải nào cũng giống nhau ở cả người nhận giải lẫn... người trao và kịch bản. Không khó để nhận thấy, các đề cử của giải thưởng năm sau tương tự năm trước, hay một ca sĩ nhận nhiều giải thưởng ở các hạng mục khác nhau. Thậm chí top 10 đề cử của giải nào cũng có tên Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Cẩm Ly... Bản thân ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người sở hữu vô số giải thưởng cũng phải thốt lên rằng: "Tôi đã chán ngán giải thưởng rồi". Người không hiểu thì nói anh ngạo mạn, nhưng để đến nỗi "ông hoàng nhạc Việt" phát ngôn ra câu ấy thì ắt hẳn phải có nguyên nhân.
Tôi phải từ chối bớt giải thưởng "Tôi phải nghiêm khắc hơn để có can đảm từ chối bớt giải thưởng. Chừng nào tôi còn ngồi đó, và quyền quyết định là các tin nhắn, tôi cá chắc, các đối thủ sẽ không bao giờ có cửa", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói. |
Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ, bản thân anh không còn cảm thấy bất ngờ, hồi hộp mỗi khi nghe công bố giải. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi cơ chế "trao quyền" vào tay khán giả như hiện nay. Giải thưởng âm nhạc bây giờ chỉ đơn thuần là cuộc chiến bình chọn giữa các fan ca sĩ. Chỉ cần ca sĩ có tiềm năng kinh tế, đãi ngộ fan hợp lý thì hiển nhiên sẽ có nhiều cơ hội lĩnh giải.
Giờ đây, giá trị của giải thưởng không phải là nghệ sĩ và những tác phẩm được tôn vinh. Người được hưởng lợi trong việc chạy đua giải thưởng lại là các nhà tài trợ, BTC và các fan. Nhà tài trợ, BTC thì nhận được món hời lớn từ những tin nhắn vote bình chọn, còn fan thì hả hê trong cuộc chiến "giữ gìn hình ảnh" cho thần tượng của mình.
Không chỉ vậy, gần đây có vô số những nghi án nghệ sĩ mua giải bị báo chí và dư luận đặt câu hỏi. Như giải Làn sóng xanh đã mất lòng tin từ nghi án Trà Mi idol mua giải vào năm 2008. Hay gần đây là giải thưởng của Minh Hằng cũng bị nghi có mùi gian lận. Giải Mai Vàng cũng gây nhiều sóng gió vào năm 2004 với vụ lùm xùm Hồ Quỳnh Hương bỏ tiền mua giải Nữ ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích.
Giải Cống hiến năm 2011 cũng cố tình đặt tên Uyên Linh vào danh sách nhằm câu kéo bình chọn khi nữ ca sĩ này đang gây ra cơn sốt với người hâm mộ. Gần đây nhất là giải Nữ ca sĩ được yêu thích của HTV Awards được trao cho Hồ Ngọc Hà, khiến fan hâm mộ của ca sĩ Mỹ Tâm có những hành động vượt quá kiểm soát vì cho rằng có sự không công bằng trong kết quả. Dù đây là những thông tin chưa được kiểm chứng nhưng đã khiến khán giả mất lòng tin về độ xác thực của giải thưởng. Nhiều người nghi ngờ, các giải thưởng âm nhạc hiện nay chỉ là màn kịch dựng lên với mục đích vì lợi nhuận của phía tổ chức.
Với bản thân người nghệ sĩ, có lẽ các giải thưởng âm nhạc hàng năm cũng chỉ như cuộc vui đến hẹn lại lên. Xin mượn lời nói ẩn ý của đạo diễn Lê Hoàng trong đêm trao giải Video âm nhạc Việt (vốn được kỳ vọng là một giải thưởng MTV của Việt Nam): Chữ MTV có nghĩa là "một tối vui", vậy thôi.
Tránh xa giải bầu chọn để thanh thản Ca sĩ Thu Minh khi trượt giải Cống hiến năm 2011 cho hay: "Đến với một giải thưởng, số phận sản phẩm của tôi lại phụ thuộc vào 100 phiếu bầu từ các cá nhân mà ở họ cũng có "tình thân mến, sự ưu ái và gu thẩm mỹ riêng". Vì thế, tôi không thể quyết định được việc này. Từ lâu tôi đã giữ mình tránh xa các giải thưởng bầu chọn, bỏ phiếu để lòng thanh thản". |
Linh Lan