Liên quan đến việc thực hiện giải tỏa khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức, TP.Vinh, theo Đề án giải quyết các khu tập thể cũ trên địa bàn TP.Vinh của UBND tỉnh Nghệ An, đã có rất nhiều đơn của người dân gửi đến Hội đồng xét giao đất mong muốn được giải quyết quyền lợi.
Theo thống kê, đã có 6 lá đơn gửi đến UBND TP.Vinh và 39 lá đơn gửi đến UBND phường Hồng Sơn với các nội dung: Đề nghị điều chỉnh lại giá nơi đi, nơi đến; đề nghị kiểm tra lại việc xác nhận diện tích cơi nới, diện tích hóa giá; một số ý kiến kiến nghị tại sao lô đất được xét giao nhỏ hơn diện tích hộ gia đình đang sử dụng;…
Trong đó, ông Nguyễn Trọng Hiến (SN 1956), trú tại khối 12, phường Hồng Sơn, TP.Vinh, phản ánh rằng, năm 1989, gia đình ông mua của khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức một căn nhà với diện tích 63,1m².
Lô đất này ông Hiến mua ngay sát đường Cao Xuân Huy, TP.Vinh và sử dụng liên tục không hề có tranh chấp với ai. Do vị trí thuận lợi nên giá mua lúc đó cao hơn rất nhiều các nhà của công nhân khác, tiền thuế đất đóng hàng năm cũng nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch, gia đình ông Hiến bị đẩy xuống lối 2, nhường vị trí gần đường cho nhà khác. “Gia đình tôi cũng luôn chấp hành quy định của Nhà nước, chưa bao giờ sai phạm gì. Thế nhưng chính quyền lại đẩy lô của tôi xuống, nhường cho người không đủ tiêu chuẩn”, ông Hiến bức xúc cho biết.
Ngoài ra, bà Lê Thị Tâm (SN 1954), trú tại khối 12, phường Hồng Sơn, TP.Vinh, cũng cho rằng việc phân chia lô đất không hợp lý khiến gia đình bà bị ảnh hưởng.
Theo đó, trong thời gian làm công nhân, năm 1989, bà mua một gian nhà ở tại khu tập thể cán bộ, công nhân viên tại phường Hồng Sơn. Sau đó, do nhà chật hẹp, gia đình đông người, nên năm 1994 bà Tâm mua lại một gian bên cạnh của chị Lê Thị Viết (công nhân cũ Xí nghiệp may mặc Việt Đức). Tổng diện tích đất mang tên bà Lê Thị Tâm là 96m², toàn bộ hồ sơ gia đình đã nộp lên UBND phường Hồng Sơn để xin làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Tuy nhiên, trong quyết định thì bà Lê Thị Tâm chỉ được cấp 44,89m². Cho rằng số đất còn lại (52,11m²) cũng là của gia đình nên bà Tâm đã nhiều lần phát biểu trong cuộc họp, viết đơn kiến nghị gửi UBND phường Hồng Sơn, UBND TP.Vinh nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Bà Tâm bức xúc cho biết: “Tôi mua nhà có giấy tờ đầy đủ, hàng năm đều đóng thuế đất đai, trong quá trình sống không hề có tranh chấp hay kiện tụng gì. Vậy mà phường chỉ xác nhận một nửa diện tích đất cho tôi (gian nhà bà Tâm mua năm 1989), còn hơn một nửa diện tích còn lại (gian nhà bà mua thêm vào năm 1994) thì lại không được. Việc này quá vô lý”.
Vì vậy, Hội đồng xét duyệt đối tượng giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất TP.Vinh đã yêu cầu UBND phường Hồng Sơn rà soát lại toàn bộ các giấy tờ, tài liệu liên quan về việc mua hóa giá của 183 hộ gia đình, cá nhân được lập phương án đợt 1 này.
Tuy nhiên, theo người dân cho biết, đang trong quá trình giải quyết thì một số người tự nhận là cán bộ phường Hồng Sơn đã đưa máy xúc, máy ủi đến phá dỡ ngôi nhà của ông Nguyễn Trọng Hiến, bà Lê Thị Tâm và một số gia đình khác. Cho rằng đây là hành động hủy hoại tài sản của công dân, mọi người đã yêu cầu dừng ngay việc này.
“Tôi không phản đối dự án của UBND tỉnh Nghệ An, thậm chí còn vô cùng ủng hộ vì mong muốn mọi người có nơi an cư lạc nghiệp. Nhưng tôi không chấp nhận cách thức thực hiện dự án của UBND phường Hồng Sơn, nên đang tiếp tục viết kiến nghị. Đáng lẽ phải được sự thống nhất giữa các bên rồi mới làm, vậy mà họ lại ngang nhiên đưa máy móc đến phá nhà người dân như vậy”, ông Hiến bức xúc cho biết.
Theo ông Hiến và bà Tâm, người dân cũng không hề nhận được quyết định cưỡng chế hay thu hồi đất từ chính quyền. Việc những người tự xưng là cán bộ phường đưa máy ủi đến khiến tất cả người dân vô cùng bất ngờ.
“Hiện, việc giải phóng mặt bằng ở đây đang trong quá trình họp bàn nên tôi đưa mẹ về nhà riêng, ngôi nhà ở khu tập thể tạm thời không có ai ở. Sáng hôm đó, sau khi nghe tin chúng tôi mới đến yêu cầu dừng lại, nếu không chắc họ phá nhà xong rồi”, chị Phạm Linh, con gái bà Tâm cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, ngày 3/8, UBND phường đã có thông báo gửi đến tận các hộ gia đình. Theo đó, các hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức phải tự liên hệ và di dời đến nơi ở mới, tự tháo dỡ nhà cửa, công trình để bàn giao mặt bằng cho UBND phường thực hiện việc cắm mốc lô đất theo quy hoạch.
“Đề án xóa nhà ở tập thể cũ trên địa bàn TP.Vinh được thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (dân tự giải phóng mặt bằng). Tất cả mọi việc đều do người dân bàn bạc rồi thống nhất, sau đó mới đưa lên để chúng tôi thẩm định, xét duyệt. Công tác phá dỡ nhà cửa cũng do người dân tự làm”, ông Đạt cho biết.
Trao đổi về việc này, luật sư Nguyễn Văn Tùng, Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự khẳng định, nếu như các hộ gia đình chưa nhận được quyết định thu hồi đất hay quyết định cưỡng chế mà tiến hành tháo dỡ nhà ở thì trái với quy định pháp luật hiện hành.
“Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không có được sự đồng ý của người đó. Ngoài ra, việc giải tỏa vẫn chưa có kết luận cuối cùng nên việc dùng máy ủi phá nhà là hành động hủy hoại tài sản của công dân. Trường hợp, nếu UBND phường làm thì cần dừng ngay, rồi tiến hành họp dân để giải quyết; còn nếu do cá nhân tự ý làm thì cần phải truy cứu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Tùng cho biết.