Sự sống sót kỳ diệu
Chị Lục Hoài Thương (mẹ đẻ bệnh nhi Hoàng Tuấn Minh) tâm sự: “Thật may mắn cho gia đình tôi, sau quá trình đưa con đi cấp cứu và trải qua những phút giây sinh tử, đến nay sức khỏe của con đã ổn định hoàn toàn. Mặc dù cháu đã được xuất viện về nhà uống thuốc nhưng hàng tháng gia đình vẫn đưa cháu vào bệnh viện để khám định kì nhằm đánh giá sự phát triển, phục hồi thể trạng cũng như tiên liệu những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra. Ngay cả khi đưa vào bệnh viện Nhi TW cấp cứu, các bác sĩ ở đây cũng cho biết bệnh tình của cháu rất nguy kịch.
Cháu Minh nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Đến khoảng 6h sáng ngày hôm sau (19/9/2012), khi được phép vào thăm cháu tôi thấy máu mồm, máu mũi của cháu chảy ra rất nhiều. Quá hoảng sợ, tôi có hỏi cô y tá, điều dưỡng viên về tình hình bệnh tật của cháu nhưng được trả lời không có tia hy vọng.
Máu chảy nhiều, gia đình hỏi bác sĩ điều trị thì được giải thích: Máu không chỉ chảy ở mồm, mũi mà còn chảy ở rất nhiều chỗ khác nữa như hậu môn, xuất huyết trong, tóm lại bệnh tình của cháu rất nguy kịch, sự sống chỉ chiếm 1 phần còn lại 9 phần là chết, gia đình sẵn sàng chuẩn bị tâm lý trước diễn biến của căn bệnh.
Điều thật kì lạ ở chỗ, đến khoảng hơn 12h ngày hôm đó, bác sĩ gọi điện thoại cho vợ chồng tôi thông báo mang tiền lên nộp và ký vào giấy lọc máu vì máu cháu đã bị nhiễm trùng. Suốt trong quá trình thực hiện lọc máu, sau đó, cháu Minh đã có thể tiểu tiện được, da mặt hồng lên, lúc đó các bác sĩ mới chính thức cho biết đã cứu sống được cháu Minh".
Sau 2 tuần cấp cứu điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, cháu Minh được chuyển sang khoa Tim mạch để tiếp tục điều trị bệnh viêm cơ tim. Cháu Minh được chữa trị và chăm sóc tận tình của các y bác sĩ bệnh viện Nhi TW 63 ngày thì xuất viện, đến nay sức khỏe đã gần như bình phục hoàn toàn. Hiện tại, các bác sĩ cho biết cứ khoảng 2 tuần đến 1 tháng lại đưa cháu vào viện để kiểm tra, theo dõi tình hình phát triển thể trạng và sức khỏe của cháu.
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
“Sự khác biệt ở quyết định cho lọc máu”
Mặc dù sức khỏe của cháu Hoàng Tuấn Minh đã bình phục, tuy nhiên theo quan điểm của gia đình bệnh nhi này, để dẫn đến tình trạng trên là do bệnh viện Xanh Pôn đã không cho cháu Minh được chuyển viện sớm (chuyển lên bệnh viện Nhi TW - PV) dẫn đến cháu bị suy kiệt sức khỏe, bị suy nội tạng, gây khó khăn trong việc cấp cứu điều trị bệnh.
Lý giải về việc này, TS. Trần Minh Điển, phó giám đốc bệnh viện Nhi TW cho biết: "Sau khi xác định, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cơ tim, phương pháp điều trị của các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn là đúng quy trình, phác đồ điều trị theo quy định của bộ Y tế. Đặc biệt là cách xử trí giữa 2 bệnh viện Xanh Pôn và bệnh viện Nhi TW không có gì khác biệt. Chỉ có cái khác đó là bệnh viện Nhi TW thực hiện lọc máu cho bệnh nhân. Phải nói kĩ hơn về trường hợp bệnh nhi Minh này, theo hồ sơ bệnh án từ Xanh Pôn chuyển sang, thể hiện, khi thấy bệnh nhân bị nặng, gia đình đã ký giấy xin về nhưng khi đưa về nhà, bệnh nhi sống trở lại nên gia đình đưa vào bệnh viện Nhi TW cấp cứu.
Sau khi xác định trẻ bị bệnh viêm cơ tim, bệnh viện đã triển khai phác đồ điều trị cho cháu. Sau đó, tình trạng của trẻ vẫn luôn ở trong tình trạng nguy kịch. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành lọc máu cho bệnh nhân. Bản thân bệnh nhân cũng phải trải qua rất nhiều nặng nề khác sau lọc máu đó là hồi sức, nhiễm khuẩn kèm theo và có nguy cơ tử vong xảy ra bất kể lúc nào. Rất may đứa trẻ vượt qua được những cái đó và sống được nhờ vào sự kiên trì, sự cố gắng của chính bản thân người bệnh".
TS. Điển cũng nhấn mạnh, phác đồ điều trị giữa 2 bệnh viện không có gì khác biệt, bản thân bệnh nhân này đã rất nhiều lần ngừng tim, được các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn tận tình cứu chữa bằng việc triển khai phác đồ điều trị viêm cơ tim với hệ thống thở ô xy, máy móc, miễn dịch đầy đủ, đúng quy trình. Với tình trạng bệnh nặng như vậy, đặc biệt là nằm ở hồi sức thì nguy cơ đến chức năng sống như nguy cơ ngừng thở, nguy cơ về tim đối với bệnh nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào và diễn biến theo từng giờ, từng phút. Sáng tình trạng bệnh như thế này nhưng chiều tình trạng bệnh lại khác.
"Do vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, các y bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn giải thích như vậy là kịp thời. Sau cấp cứu lúc nặng, lúc nhẹ, bác sĩ có giải thích nhưng do tâm lý người nhà sẽ khó phân tích được ngay tức thì nhưng đó là cách thức giải thích cần thiết để người nhà bệnh nhân biết được tình trạng bệnh và nguy cơ có thể xảy ra là gì. Điều khác biệt ở đây, có thể do tâm lý của gia đình khi thấy đứa trẻ sống lại đã có những biến chuyển khác nhưng xét trên góc cạnh đứa trẻ vượt qua cửa tử là rất hiếm" - TS. Điển nói.
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Thành, trưởng khoa cấp cứu Nhi - bệnh viện Xanh Pôn khẳng định: "Tập thể y bác sĩ bệnh viện đã tận tình cứu chữa bệnh nhân. Bệnh nhân Hoàng Tuấn Minh vào viện lúc 6h50’ ngày 17/9, trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, nặng đã triển khai bóp bóng, hỗ trợ máy thở giúp bệnh nhân hồi sức. Sau khi xác định bệnh nhân bị viêm cơ tim đã triển khai theo đúng phác đồ điều trị theo quy định. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng nên gia đình bệnh nhân đã xin cho con ra viện vào lúc 10h15’ - 10h30’ ngày 18/9/2012 - thể hiện rõ trên hồ sơ bệnh án, có chữ viết và ký của bố bệnh nhi Minh.
Trước khi cho ra viện, bản thân tôi cũng đã hỏi các bác sĩ điều trị xem xét, hội chẩn lại trường hợp này mới cho xuất viện. Thực chất, gia đình bệnh nhi Minh đã xin cho con về nhiều lần. Có lần đã gọi xe cấp cứu nhưng kiểm tra thấy cháu còn thở tôi đã bảo gia đình cho cháu ở lại tiếp tục điều trị. Khi thấy bệnh tình của cháu quá nặng chúng tôi mới để người nhà ký giấy cho cháu về". Về nội dung, gia đình xin chuyển viện cho cháu lên Nhi TW, sao không cho chuyển?
Bác sĩ Thành khẳng định: “Tôi cùng kíp y, bác sĩ trực tiếp cấp cứu bệnh nhi này, tôi khẳng định, gia đình không đề xuất xin chuyển viện cho bệnh nhi. Nếu có đề xuất, xét tình trạng bệnh nặng, quá trình vận chuyển không an toàn, tôi cũng không đồng ý chuyển. Trong y học, phải cấp cứu an toàn rồi mới được chuyển. Ở đây bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, không thể chuyển được?".
Bác sĩ Phùng Nhã Hạnh, phó giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Phía bệnh viện đã triển khai các trang thiết bị nhằm hồi sức, cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là trường hợp nặng, luôn trong tình trạng ngừng tim nên rất khó chữa. Còn chuyện phản ánh gia đình xin chuyển viện lên tuyến trên là không có. Việc gửi máu sang bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm xác định men tim là có, vì ở bệnh viện Xanh Pôn chưa có trang thiết bị làm xét nghiệm này.
Ngoài ra, gia đình bệnh nhân có phản ánh phải nộp 10 triệu đồng để mua thuốc, thực chất đó là khoản tiền tạm ứng, nộp trước khi nhập viện. Trong quá trình cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân gia đình nộp tiền ở bệnh viện và lấy thuốc ở khoa thuốc chứ không có chuyện mua thuốc ngay tại khoa cấp cứu như phản ánh".
Thế những giải thích, lời nói của các y, bác sĩ liên quan đến quá trình điều trị như báo đã phản ánh thì sao? Bác sĩ Thành và Phó giám đốc Hạnh, đều khẳng định: Người có chức năng giải thích là bác sĩ, trưởng khoa chứ các y sĩ không thể giải thích được. Bác sĩ Hạnh thừa nhận: “Có thể, trong lúc bệnh nhi cấp cứu liên tục, bác sĩ đang điều trị, người nhà bệnh nhi hỏi, đôi khi, có những giải thích chưa được rõ ràng, cụ thể làm gia đình bệnh nhi hiểu nhầm. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm với cán bộ”. Bác sĩ Thành khẳng định: “Đây là trường hợp sống sót hy hữu của y học. Đừng lấy sự sống sót hy hữu đó mà đổ lỗi cho quá trình điều trị của chúng tôi. Những giải thích không rõ ràng, không đúng chức năng của cán bộ trong khoa, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, sửa chữa".
Kỳ trước: Bệnh viện yêu cầu về lo hậu sự, bệnh nhi vẫn sống khỏe
Quỳnh Chi