Chiều 24/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với 481/482 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 97,37%).
Giảm thuế VAT 2% từ 1/7/2023
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%).
Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Nghị quyết, việc giảm 2% thuế VAT sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023 - 31/12/2023.
“Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43”, Nghị quyết nêu.
Trước đó, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Về vấn đề này, theo ông Cường, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách Nhà nước, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế giá trị gia tăng như dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).
Về tác động của chính sách, theo tờ trình của Chính phủ, nếu áp dụng việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).
Với việc giảm 2% thuế VAT vgười dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số vấn đề như bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành lãi suất phù hợp diễn biến của lạm phát.
Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
“Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Quốc hội yêu cầu.
Bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank
Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2023, bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
“Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”, Nghị quyết nêu.