Tại Đề án này, túi nilon khó phân hủy ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh sẽ được hạn chế sử dụng trong từng giai đoạn.
Cụ thể, từ nay đến năm 2015, những túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ giảm tới 40%, với chợ dân sinh thì con số túi nilon khó phân hủy chỉ giảm được 20%.
Hạn chế sử dụng túi nilon nguy hại
Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy có bề dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet (30µm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái chế.
Bên cạnh đó, nhằm tái chế khối lượng chất thải túi nilon, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thu gom và tái chế 25 % khối lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Để có thể thực hiện được Đề án này, các Bộ ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải tiến hành những biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải túi nylon khó phân hủy; khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải túi nilon khó phân hủy, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.
Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu khoa học, những sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường sẽ được tăng cường sản xuất và sử dụng, phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy đồng thời sử dụng công nghệ tiên tiến tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích.
Song song với đó, các ban ngành, đoàn thể, hội cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Đề án cũng sẽ đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường vào chương trình giảng dạy ở các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp.
Theo TTXVN