Thưa ông, ông có nhận xét gì về tình trạng bội chi ngân sách đang diễn ra hiện nay?
Về vấn đề bội chi ngân sách, nói chung chính phủ nào, giai đoạn nào cũng đều phải có bội chi để phát triển. Nhưng trên nền thu chặt chẽ và chi ngân sách một cách hợp lý thì bội chi đó tốt, còn nếu ngược lại như việc chi kém hiệu quả của một loạt những dự án tràn lan vừa qua dẫn đến tình trạng thất thoát, đầu tư dàn trải, lạm phát thổi bùng lên thì rất đáng lo ngại. Trong khi thu chưa tận thu, chi bất hợp lý mà lại đi vay để phát triển thì rất khó khăn. Theo tôi, thay vì cắt giảm chi thì phải tận thu và áp dụng tất cả những biện pháp đồng bộ mới giải quyết được tình trạng này.
Ông Lê Quốc Dung - nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Chủ trương tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn có khả thi không, thưa ông?
Chủ chương, chính sách nào đưa ra cũng đều phải được xem xét, bàn bạc có phù hợp với thực tiễn hay không. Thực tế là chúng ta chưa làm tốt việc tận thu và có rất nhiều các nguồn thu chưa khai thác hết. Cần phải rà vào từng nội dung thu chưa tốt mà những luật, những chính sách của ta chưa làm được.
Ví như nguồn thu về thu nhập cá nhân chưa minh bạch, hay như luật khoáng sản, có bao nhiêu nội dung để thu nhưng 2-3 năm nay chưa triển khai được. Cứ cấp vô tội vạ khoáng sản để thất thoát, cuối cùng cũng không thu được tiền. Các nguồn thu về đất rừng ở các nông - lâm trường hiện nay cũng chưa thu hết và không thể nói là giao đất mà không thu tiền được. Rồi còn bao nhiêu các khoản mua bán ngầm chưa kiểm soát được hết phần thu. Đặc biệt quan trọng là vấn đề giá đất, khi giá đất quy định không sát với khung thị trường thì nguồn thu không thể cao lên được. Đấy là những thất thu rất lớn mà để các doanh nghiệp thực hiện thì có một bộ phận quan chức lợi dụng giá thấp để rút chênh lệch, cho nên Nhà nước thất thoát rất nhiều.
Vậy ông có ý kiến gì về việc cắt nguồn chi bằng cách giảm biên chế hay giảm quỹ lương?
Chủ trương giảm biên chế là một nội dung nhưng không thể làm ngay được, bởi phải có kế hoạch trung hạn, dài hạn và chương trình cụ thể. Ngay thời điểm hiện giờ mà tháo gỡ khó khăn bằng cách giảm biên chế thì là điều không thể. Và trong khi bao nhiêu nguồn thu chưa thu được thì biện pháp cắt giảm lương tối thiểu của người lao động là rất vô lý, tạo ra bức xúc xã hội và không tạo được niềm tin trong dân. Cách làm như thế là thất sách. Chúng ta cắt những khoản chi không cần thiết là đúng nhưng phải hợp lý. Ví như xây trụ sở hay những dự án chưa cần thiết, mua xe công lãng phí, một số chi ngân sách cho các hội chưa minh bạch... Các hội được cấp xe nhiều, tiền chi các khoản cũng nhiều, lại có không ít hội xã hội nghề nghiệp "cấu véo" vào ngân sách Nhà nước, vậy thì thử hỏi có bao nhiêu hội chi ngân sách thỏa đáng?
Theo ông, đâu là giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này?
Việc đề ra giải pháp phù hợp với thực tiễn phải được xem xét, bàn bạc và thực hiện một cách đồng bộ. Trước mắt, những khoản chi bất hợp lý rất nhiều và theo tôi, Bộ Tài chính phải đưa ra Quốc hội rà lại từng mục cụ thể để xem nội dung nguồn chi nào không hợp lý sẽ cắt đi. Ngân sách của chúng ta cần minh bạch ra Quốc hội và có từng mục chi chi tiết chứ không thể như hiện nay, chi thường xuyên cũng bó với chi đầu tư xây dựng phát triển, không hề tách bạch ra.
Phải có cụ thể trong chi thường xuyên là chi những khoản gì, cái gì là phần cứng không thể cắt, cái gì là phần mềm của từng địa phương và đến chi ngân sách cho dự án thì phải rõ ràng từng dự án một. Có như thế thì Quốc hội "trăm tay, nghìn mắt" đại diện cho dân mới rà soát được và cắt đi những khoản không đúng. Nếu cứ để tình trạng cụm hết vào một bảng như "ma trận", mà đại biểu nhiều người không có nghiệp vụ thì không thể giải quyết.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phúc - Loan