Sau 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó đã giải quyết được 204 vụ với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng, còn lại hơn 50 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Bên lề hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chiều nay trong buổi Quốc hội thoải luận tại tổ về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi).
Đáng chú ý là những bất cập, hạn chế của Luật này như vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm đã rất vất vả trong việc chứng minh thiệt hại oan sai được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Thực tế Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa có điều kiện tiếp cận Luật này để thực hiện quyền của mình.
Hơn nữa, trong một vài trường hợp bị oan sai đòi bồi thường đã gặp phải những phiền hà, phức tạp nhất định. Do vậy, việc sử đổi Luật lần này sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế như trong thời gian qua.
Đặc biệt, đối với những người bị oan sai thì họ cần phải được bù đắp một cách cụ thể, kịp thời.
Trong khi đó, thực tế việc yêu cầu người bị oan sai phải chứng minh được thiệt hại oan sai, có tài liệu, hóa đơn chứng từ là rất khó và thậm chí là không thể. Bởi trong thời gian họ bị oan sai, phải ngồi tù, chịu nhiều thiệt hại như bị giam, mất danh dự, dang dở việc học, mất việc, thậm chí gia đình tan nát thì sao có giấy tờ để chứng minh sau này.
Đây chính là điểm nghẽn, bất cập trong việc thực hiện Luật này. Ngoài ra, các quy định trước đây của chúng ta về thủ tục, hồ sơ giấy tờ còn rất nhiêu khê, hành chính.
Người dân đã bị thiệt thòi vì oan sai rồi, sau đó hành trình đi đòi giải quyết, minh oan đã khó khăn nay lại sang hành trình mới đòi bồi thường với đầy gian nan mới.
Bởi vậy, luật bồi thường đưa ra làm sao vừa đảm bảo chặt chẽ, nhưng cần cởi mở, tạo điều kiện và giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Để sau những ngày tháng họ bị oan sai họ được đền bù ít nhiều, nhanh chóng và kịp thời”.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu thẳng thắn nêu quan điểm: “Bản chất việc bồi thường ở đây cơ bản là lấy tài sản của Nhà nước bồi thường cho người bị oan sai. Trong lần sửa đổi này, tôi đề xuất cơ quan nào gây ra thiệt hại cho người dân thì cơ quan đó phải đền bù. Như vậy để giám bớt ngánh nặng cho ngân sách Nhà nước, mà tăng trách nhiệm”.
Trước đó, sáng nay Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đọc tờ trình trước Quốc hội dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Theo đó, một điểm mới trong dự thảo lần này là dự thảo Luật đã quy định tăng mức thiệt hại về tinh thần.
Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định “đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại“.
Vũ Phương