Ngỡ ngàng với quyết định khởi tố
Với thâm niên công tác lâu năm trong ngành giám định, trải qua biết bao ca giám định từ đơn giản, tới phức tạp và gặp không biết bao câu chuyện dở khóc, dở cười. Nhưng có lẽ ca giám định về cái tát của một người phụ nữ ở thành phố Hòa Bình là khiến bác sĩ Hồ Kim Châu, hiện đang công tác tại viện Pháp y Quốc Gia nhớ rõ hơn cả.
Hình ảnh người phụ nữ lặn lội đệ đơn kêu cứu nhiều nơi cũng như làm đơn đề nghị làm rõ sự oan khuất của mình, tất cả cũng chỉ vì những bản kết luận gây nhiều tranh cãi. Khẽ nhấp ngụm chè nóng, bác sĩ Châu nói: “Sự việc diễn ra như thế này đây…”:
Khoảng 11h ngày 08/6/2008, có một cậu thanh niên tên Trần Anh Tiến lẻn vào nhà chị Phạm Thị Lâm ở Hòa Bình trộm đồ. Tuy nhiên, đối tượng chưa kịp ra tay đã bị gia chủ phát hiện. Để chấn chỉnh kịp thời nam thanh niên mới lớn, chị Lâm đã tới tận nhà riêng của Tiến thông báo sự việc cho gia đình biết và yêu cầu cậu này phải viết bản kiểm điểm vì đây không phải là lần đầu tiên Tiến sang nhà chị Lâm ăn cắp vặt.
Dù vậy, cậu thanh niên này chống chế, nhất định không chịu làm theo yêu cầu của chị Lâm, thay vào đó, Tiến nhờ em họ là P.B.T (SN 1993, trú tại Hòa Bình) thời gian này đang ở nhà Tiến để ôn thi viết và ký thay mình. Tất nhiên, chị Lâm không đồng ý, trước thái độ hỗn hào của cả Tiến và người em họ là cháu T., trong lúc không kiềm chế được bản thân, chị Lâm đã tát cháu T. một cái vào mặt vì nói năng không đúng chuẩn mực với người lớn.
Xong đâu đấy, cuộc sống sinh hoạt của mọi người vẫn diễn ra bình thường. Những ngày sau đó, cháu T. vẫn đi thi và đạt kết quả tốt, có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm.
Sự việc chỉ trở nên phức tạp khi mà cháu T. được người nhà đưa đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong 2 ngày điều trị (từ 9 - 11/06/2008), kết quả chẩn đoán từ bệnh viện, cháu T. bị chấn thương phần mềm cẳng tay trái. Khám thấy vùng 1/3 trên cẳng tay trái có vết tím nhẹ, không thấy dấu hiệu tổn thương đầu, mặt.
Cùng thời gian trên, trong giấy chứng thương ngày 10/6/2008 của Trung tâm pháp y tỉnh Hòa Bình xác nhận mặt ngoài khuỷu tay phải của cháu T. có vết xây xát da kích thước (0,6x0,2)cm. Vùng đầu, mặt, ngực, lưng, thắt lưng, cánh tay phải và các bộ phận khác không thấy dâu vét thương tích.
Thế nhưng, không hiểu sao, khoảng 1 tuần sau, gia đình tiếp tục đưa cháu đi giám định thương tích tại Trung tâm pháp y viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an và đơn vị này kết luận cháu P.B.T có hội chứng suy nhược nhẹ sau chấn thương sọ não với tỉ lệ tổn hại sức khỏe 21%.
Thấy có mâu thuẫn giữa hai kết quả giám định, ngày 28/11/2008, cháu T. lại được đi giám định thương tích tại Trung tâm pháp y tỉnh Hòa Bình với kết quả 1%.
Dù vậy, với kết quả giám định của viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích để điều tra làm rõ vụ việc. Do tỷ lệ thương tích chênh lệch nhau quá lớn trong hai bản kết luận giám định pháp y nên cơ quan điều tra đã buộc phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Ánh sáng trở lại
Kể đến đây, bác sĩ Châu nhớ rõ ngày cơ quan CSĐT bộ Công an vào cuộc sau khi tiếp nhận liên tiếp những lá đơn kêu cứu của chị Phạm Thị Lâm và ngay lập tức đã trưng cầu viện Pháp y Quốc Gia giám định trên hồ sơ, giám định lại lần II và bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Hội đồng giám định. Ngày 3/8/2010 cháu P.B.T đã được giám định lại thương tích tại viện Pháp y Quốc Gia với kết luận mức độ tổn hại sức khỏe của cháu T. là 0%.
Theo lời kể của bác giám định viên Hồ Kim Châu thì khi nhìn vào hồ sơ ban đầu được cơ quan công an cung cấp không hề thấy ghi là nạn nhân bị đánh vào đầu, nhưng phía cơ quan giám định lúc trước vẫn kết luận là nạn nhân có Hội chứng suy nhược nhẹ sau chấn thương sọ não. Việc kết luận như trên hầu như chỉ dựa trên lời khai chủ quan của bị hại là đau đầu âm ỉ thường xuyên. Ngay cả kết quả ghi điện não cũng rất chung chung.
Giải thích rõ hơn một chút về các thuật ngữ chuyên môn, bác sĩ Châu nói: Điện não là biểu hiện kích thích nhẹ ở vỏ não. Nguyên nhân có thể do dùng rượu, ma túy và các chất kích thích khác, suy nhược cơ thể, căng thẳng thần kinh, chấn thương sọ não… Đây không phải là tiêu chí chủ đạo và đặc hiệu để đánh giá có hay không Hội chứng suy nhược nhẹ sau chấn thương sọ não. Nếu có chấn thương sọ não ắt hẳn phải có tổn thương ở xương sọ hoặc nhu mô não. Lúc đó, các sóng cơ bản mất cân xứng hai bên bán cầu, mất ổn định về nhịp và biên độ, rối loạn hoặc mất sóng… Theo như kết luận của viện Pháp y Quốc Gia thì rõ ràng trường hợp của cháu T. không có chấn thương sọ não.
Nói đến đây, ánh mắt bác sĩ Châu khẽ ánh lên niềm vui sướng khi đã cùng với các đồng nghiệp làm việc bằng chính cái tâm và chuyên môn vững vàng đã giúp giải nỗi oan khuất của người phụ nữ ở Hòa Bình.
Là người trực tiếp tham gia ca giám định trên và tiếp xúc với chị Lâm, cho đến tận bây giờ, bác sĩ Châu vẫn không thôi trăn trở và đau đáu về cuộc sống của người phụ nữ suýt chút nữa vướng vòng lao lý nếu như không kịp thời có kết luận giám định của viện Pháp y Quốc Gia.
Bác sĩ Châu nhớ rõ quãng thời gian có thể gọi là u ám của chị Phạm Thị Lâm khi mà ban ngày chị Lâm chạy ngược chạy xuôi gửi đơn kêu cứu khắp các cơ quan chức năng, buổi tối về bên giường bệnh chăm chồng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh ung thư ác tính luôn rình rập và sẵn sàng cướp đi tính mạng người thân yêu của chị Lâm lúc nào không biết khiến người phụ nữ suy sụp, tưởng chừng sẽ gục ngã.
Bệnh tật giày vò nhưng cũng không đau bằng nỗi đau oan khuất mà vợ mình đang gánh trên vai, có những lúc chồng chị Lâm vùng dậy quát tháo, bảo chị Lâm “mua cho anh khẩu súng để anh giết hết chúng nó đi”. Có lẽ chính vì sự giày vò này lại càng cướp anh đi khỏi người phụ nữ này nhanh hơn.
Thế nhưng, “chân lý chỉ có một”, cuối cùng công lý cũng đến với chị. Ở nơi vĩnh hằng, có lẽ chồng chị Lâm cũng yên lòng khi nỗi oan khuất của vợ đã được giải mã. Trong ánh nắng ấm áp hiếm hoi của một ngày mùa đông ùa vào trong phòng làm việc, bác sĩ Châu cười hiền cùng ánh mắt sáng ngời khi góp công sức của mình vào hành trình bảo vệ công lý.
Tư Viễn