Tại tọa đàm "Ngành y vượt khó" ngày 23/2, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã chia sẻ khó khăn tài chính của bệnh viện dẫn tới tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, nguồn tài chính, nguồn chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là trong 3 năm qua, của Bệnh viện Bạch Mai giảm trầm trọng. Mười năm trước, bệnh viện có nguồn thu từ công tác liên doanh, liên kết (tương đối đúng, tương đối đủ) nên có nguồn tài chính đãi ngộ nhân viên.
Tuy nhiên, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết việc thực hiện liên doanh, liên kết trong 10 năm, có những văn bản pháp quy chưa phù hợp ở nhiều điểm. Do vậy, nhiều đề án liên doanh, liên kết của Bạch Mai đã vướng vào vấn đề pháp lý.
Trong khi đó, viện phí Bạch Mai hiện thu bằng giá bảo hiểm y tế, mức giá ban hành đã rất lâu, lỗi thời trong khi hiện giá vật tư, thiết bị tăng lên rất nhiều. Do vậy, chênh lệch thu chi của bệnh viện không có, mặc dù bệnh viện được bệnh nhân rất tín nhiệm, đến rất đông.
“Từ đó, nguồn tài chính để đãi ngộ cho cán bộ nhân viên rất thấp. Hiện tại, chúng tôi đã phải dùng đến Quỹ phát triển sự nghiệp, để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Điều đó, làm cho thu nhập của người lao động, của các y bác sĩ giảm rất nhiều”, Giám đốc Bạch Mai trải lòng.
Người đứng đầu BV Bạch Mai nêu ví dụ, giá siêu âm ổ bụng cho người bệnh thì các bệnh viện thu giá dịch vụ khám theo yêu cầu từ 110.000-150.000 đồng. Tuy nhiên, tại Bạch Mai, nơi đào tạo ra các học viên thì hiện thu bằng giá của bảo hiểm y tế là 43.900 đồng.
“Rất nhiều người, thậm chí có các đồng chí lãnh đạo hỏi tôi sao Bạch Mai đông người thế mà giám đốc cứ kêu thiếu tài chính. Vì hiện tại không có một cơ chế nào để giúp cho Bạch Mai thu giá đúng, đủ. Do vậy, chúng tôi đã khẩn cầu, báo cáo Bộ Y tế nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ cho Bạch Mai ở thời điểm này”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nêu.
Thông tin thêm về tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, bệnh viện chưa có hiện tượng nhân viên nghỉ việc. Nhưng nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay, việc các chuyên gia đầu ngành xin ra khỏi bệnh viện có thể lường trước được.
Người đứng đầu BV Việt Đức lo ngại, các chuyên gia thôi việc sẽ gây nhiều khó khăn. Các trường hợp bệnh nặng đều phải vào bệnh viện công lập lớn. Ngoài ra, các sinh viên y muốn vào bệnh viện học cũng không có các thầy giỏi dạy.
Sau khi nghe những tâm tư của hai giám đốc bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt.
Ông thừa nhận, ngành y tế là ngành đặc thù từ khi còn học và đặc thù trong quá trình phục vụ người bệnh, trong khi đó chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng, điều kiện làm việc còn khó khăn.
Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện chính sách để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước. Trong đó, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, làm sao bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và thứ ba là đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực của cán bộ.
Cùng với đó,tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kếtđể bảo đảm bảo chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế.
Ngoài ra, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Ngoài việc nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của người dân, còn phải nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế. Từ đó, người dân không cần ra nước ngoài chữa bệnh.