Chiều 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cùng ngày Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), cũng đã thực hiện lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tuấn.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình C03 điều tra mở rộng vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Liên quan vụ án này, C03 cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga về cùng tội danh trên.
Trước đó, ngày 13/5, C03 đã khởi tố, bắt giam 7 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, 4 bị can là cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó Giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó phòng Vật tư).
Ba người còn lại là Trần Phú Hưng (Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam), Nguyễn Hồng Dũng (Phó tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, thẩm định viên) và Nguyễn Trung Dũng (chuyên viên thẩm định công ty này).
Đến ngày 19/7, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phạm Huy Lập (Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga) và bà Phạm Thị Kim Oanh (kế toán trưởng) về cùng tội danh.
Như vậy, vụ án liên quan đến những sai phạm tại viện Tim Hà Nội đã lên tới 10 người.
Kết quả điều tra, xác minh của C03 xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là ủy viên hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Từ đó, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám, chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Tại kỳ bầu cử khoá XV, ông Nguyễn Quang Tuấn là ứng viên thuộc đơn vị bầu cử số 10 của Tp.Hà Nội. Sau đó, ông Nguyễn Quang Tuấn có đơn xin rút vì sức khỏe và một số nguyên do khác.
Ngày 16/5, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 687/NQ-HĐBCQG về việc rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn ra khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV tại Tp.Hà Nội.
Trước đó, Bộ Công an cũng đã khởi tố một vụ án khác tại bệnh viện Bạch Mai để điều tra những sai phạm nâng khống giá thiết bị y tế.
C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, cựu Kế toán trưởng. Hai người này bị điều tra cùng về tội danh trên.
Các bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc bị khởi tố đề điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Quốc Anh và ông Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.
Kết quả điều tra bước đầu xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT).
Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá đã nâng khống khi đưa vào lắp đặt thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Tuệ Minh (tổng hợp theo Tuổi trẻ, Lao động, Người lao động)