Giám đốc bị cướp không trình báo:Người ngay không thể xem là kẻ gian

Giám đốc bị cướp không trình báo:Người ngay không thể xem là kẻ gian

Phan Anh Tuấn

Phan Anh Tuấn

Thứ 4, 03/05/2017 16:07

Bị cướp mất chiếc xe máy đang đi, ông Lê Hoàng Phong không chỉ tiếc của mà còn phải đối mặt với án kỷ luật vì không trình báo cơ quan công an.

Tiền mất, tật mang

Trung tuần tháng 4 vừa qua, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bị hai đối tượng lạ mặt chặn đường, cướp chiếc xe máy tay ga đang đi. Thay vì đi trình báo cơ quan công an như những nạn nhân thông thường, ông Phong lại chọn giải pháp im lặng về nhà.

Sau khi cướp được chiếc xe máy tay ga rẻ tiền, tên cướp mang xe đến tỉnh Đồng Nai rao bán, nhưng không ai mua. Đến ngày 29/4, hắn mang xe máy của ông Phong về nhà ở Chợ Mới cất giấu, thì bị cha mình phát hiện. Qua tra hỏi, người cha biết đây là tài sản do con trai phạm tội mà có nên đã đến công an sở tại trình báo.

Góc nhìn luật gia - Giám đốc bị cướp không trình báo:Người ngay không thể xem là kẻ gian

 Ảnh minh hoạ.

Rất nhanh, Công an huyện Chợ Mới bắt giữ 2 tên cướp và trả lại tài sản bị cướp cho người bị hại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đặt nghi vấn: Vì sao ông Lê Hoàng Phong không trình báo cơ quan công an sự việc bị cướp xe máy?

Trả lời trên báo chí, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập cho biết: "UBND huyện đã nắm rõ vụ việc. Sau khi công an hoàn thành hồ sơ vụ án và có kiến nghị với UBND huyện, khi đó đơn vị căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định về tổ chức Đảng, lúc đó có quyết định kỷ luật hay không và hình thức kỷ luật thế nào đối với hành vi không tố giác tội phạm của ông Phong".

Tranh luận nảy lửa

Đọc thông tin trên báo chí, nhiều bạn đọc và chuyên gia pháp lý bày tỏ quan điểm trái chiều xung quanh sự việc được cho là hi hữu này.

Trước hết, chúng ta hãy dùng BLHS để soi chiếu hành vi của ông Phong có cấu thành tội Không tố giác tội phạm hay không?

Điều 22, Bộ luật Hình sự quy định về tội Không tố giác như sau: “1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này”.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý, giả sử ông Phong không biết 2 đối tượng cướp xe máy là ai, đang sinh sống ở đâu, chúng mang tài sản của ông đi tiêu thụ ở đâu? Do tài sản bị cướp không lớn, nên nạn nhân không đi trình báo cơ quan công an. Trong trường hợp này, không thể xử lý ông Phong về hành vi không tố giác tội phạm.

Luật gia Nguyễn Văn Việt bình luận: “Trên thực tế, rất khó xử lý hình sự ông Phong về hành vi không tố giác tội phạm. 

Xét về hành vi khách quan của tội phạm, không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, hành vi khách quan của tội này được thể hiện dưới dạng không hành động. Người phạm tội biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tuấn phân tích: “Ông Lê Hoàng Phong là nạn nhân của vụ cướp xe máy. Ông ta không nộp đơn tố giác tội phạm, thì cơ quan công an không có cơ sở giải quyết vụ án này. Nay lại xem xét bị hại về hành vi không tố giác tội phạm là điều không nên. Hiện chưa có căn cứ kết luận ông Phong biết rõ hành vi tội phạm của 2 đối tượng nói trên, nên không thể xử lý hình sự hoặc xem xét kỷ luật ông này về hành vi không tố giác tội phạm được”.

Nhìn từ khía cạnh khác, luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: “Đây là một tình huống khoa học pháp lý mở. Người bị hại (ông Phong) hoàn toàn có quyền lựa chọn cách giải quyết có lợi cho bản thân. Khi bị cướp xe máy, ông Phong có thể trình báo cơ quan công an hoặc không trình báo như thực tế đã xảy ra. Bộ luật Tố tụng hình sự không có điều khoản nào quy định, bị hại phải trình báo cơ quan công an. Do vậy, ông Phong hoàn có quyền lựa chọn cách không trình báo cơ quan công an việc mình bị cướp xe máy".

“Hành vi của ông Phong không cấu thành tội Không tố giác tội phạm. Bởi vì trong trường hợp này, ông Phong không biết rõ người thực hiện hành vi phạm tội là ai?”, luật sư Trần Văn An phân tích.

Cũng theo luật sư An, trên thực tế có nhiêu vụ trộm cắp, cướp giật, vì tài sản không lớn hoặc vì lý do nào đó, bị hại chọn giải pháp không trình báo cơ quan công an. Chỉ đến khi cơ quan công an bắt một băng nhóm tội phạm, mở rộng vụ án nào đó, tình cờ phát hiện thêm nhiều tài sản phạm pháp. Lúc này cơ quan công an mới đăng tin tìm chủ nhân của những đồ vật bị đánh cắp đó.

“Nếu vậy thì những người đến nhận lại đồ bị đánh cắp, cướp đều bị xem xét xử lý về hành vi không tố giác tội phạm hay sao?”, luật sư Trần Văn An lật lại vấn đề.

Nói đi cũng phải nói lại, trách nhiệm của công dân là phải tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm. Việc công dân bị mất tài sản, không trình báo cơ quan công an không phải là cách làm hay. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta xử lý họ một cách tuỳ tiện được.

Thiên Long

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.