Giám đốc bưu điện Mỹ bỏ việc, làm 'bưng bê' ở Sài Gòn

Giám đốc bưu điện Mỹ bỏ việc, làm 'bưng bê' ở Sài Gòn

Thứ 2, 17/06/2013 14:27

John William Kelly là người nước ngoài đến Việt Nam với mong muốn hãy cho ông làm bất cứ việc gì để có thể giúp đỡ mọi người.

Chỉ nhận nụ cười, không lấy tiền lương

Những ngày gần đây, hễ ai có dịp vào quán cơm 2.000 đồng (số 6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) đều bắt gặp hình ảnh một ông Tây cần mẫn xới thêm cơm cho mọi người ăn. Ông cẩn thận đến từng bàn để gặp gỡ, để hỏi câu tiếng Việt lơ lớ mà ông mới học được còn bập bẹ trên vành môi: "Com them khong?" (cơm thêm không- PV) và ân cần xúc từng muỗng cơm cho khách hàng không phân biệt họ là ai, họ nghèo hay giàu, đến từ đâu và đang làm gì. Người đàn ông đặc biệt đó chính là John William Kelly.

Xã hội - Giám đốc bưu điện Mỹ bỏ việc, làm 'bưng bê' ở Sài Gòn

John hạnh phúc khi được làm công việc thiện nguyện.

John William Kelly là người Mỹ, năm nay đã ngoài 60, ông gây ấn tượng với mọi người không phải dáng người dong dỏng cao hay bất cứ một điều gì khác ở ngoại hình mà ông khiến mọi người luôn cảm thấy ấm áp bởi một vẻ phúc hậu toát ra từ một trái tim chân thành.

Được bạn bè giới thiệu, John đã đến làm việc được vài tháng nay tại quán Nụ cười 1- một quán ăn chỉ bán giá 2.000 đồng để phục vụ cho mọi khách hàng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn

Làm việc tự nguyện để giúp mọi người nên John đề nghị không lấy tiền. Cứ 8h sáng, John đã có mặt tại quán cơm để phụ giúp và chỉ chịu ra về khi khách hàng về hết. Ông làm việc đều đặn như thế trong 6 ngày/tuần.

Đừng để hối tiếc khi về già

Đến Việt Nam làm việc thiện nguyện, John William Kelly tâm sự: "Tôi rất ấn tượng về Việt Nam, ở đây cũng có rất nhiều người thích làm việc cộng đồng không lấy tiền. Họ sẵn sàng dành thời gian để giúp đỡ người khác khiến tôi cảm thấy rất đồng cảm". John cũng chia sẻ thêm rằng đối với những người trẻ hãy làm công việc thiện nguyện hết sức có thể, vì nếu không làm họ sẽ cảm thấy rất hối tiếc khi về già.

John rất chăm chỉ và luôn bảo với mọi người xung quanh rằng: "Hãy cho tôi thêm việc làm nữa, tôi muốn làm một điều gì đó để giúp mọi người". John cũng không từ chối bất kỳ công việc nào trong quán, từ việc xắt thịt cho đến bưng cơm, công việc nào cũng khiến ông say mê thích thú.

Tuy làm việc không lấy tiền, nhưng John lúc nào cũng trăn trở trong công việc, ông tâm sự: "Tôi muốn mỗi ngày mình sẽ cố gắng để làm mọi việc tốt hơn. Tôi nhớ có lần tôi lên quán Nụ cười 3 ở quận 7 để làm phụ mọi người, không hiểu sao khi làm việc tôi đã làm đổ bể chén. Điều này làm tôi cảm thấy rất có lỗi nên tôi muốn làm tốt mọi việc và không để xảy ra những chuyện tương tự như thế".

Người đàn ông ngoài tuổi 60 hiền lành thú nhận điều khiến ông day dứt nhất là khi làm vỡ chén. Khi được chúng tôi hỏi ông có gặp khó khăn nào khi làm công việc này không, John hiền lành nói: "Những ngày làm việc ở đây tôi không gặp khó khăn nào cả. Cái khó duy nhất của tôi là xắt mỡ. Thoạt nhìn nó cũng dễ dàng nhưng khi tôi cầm tới nó khá trơn, nhiều lần muốn vuột ra khỏi bàn tay tôi, đó là những ngày đầu thôi nhé, còn bây giờ tôi đã làm đỡ hơn rồi. Mọi thứ ở đây đều tốt".

Rồi ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những niềm vui nho nhỏ của mình khi làm công việc thiện nguyện này: "Thường có một cô bé nhỏ đi vào đây với cha của cô bé. Cô ấy đội một chiếc nón màu trắng rất xinh nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cười, cũng không nói, lúc nào cũng im lặng. Rồi một ngày tôi đưa cho cô bé một trái chuối, thì bỗng nhiên mặt cô bé rạng rỡ lên, vẻ thích thú lắm. Khi ấy, ba cô bé mới nói với tôi rằng: "Nó thích chuối lắm!".

Mấy lần sau cô bé tới tôi đều tặng cho cô bé một trái chuối khiến cô bé cười, khiến tôi rất vui". Và John bảo rằng: "Điều đọng lại trong tôi những ngày làm công việc thiện nguyện ở đây là những nụ cười, những lời cảm ơn, "thanks you" khiến tôi rất vui". Vâng, chính nụ cười là thứ quý giá nhất mà John đã tìm thấy, khi ấy mọi giá trị vật chất đã không còn ý nghĩa gì lớn lao nữa.

Xã hội - Giám đốc bưu điện Mỹ bỏ việc, làm 'bưng bê' ở Sài Gòn (Hình 2).

Đối với John làm thiện nguyện tại Việt Nam là cách chia sẻ nỗi mất mát trong chiến tranh

Từng là một ông chủ lớn

Hằng ngày, nhìn John bưng bê bát đĩa, cẩn thận xắt gọt trái cây và thức ăn nên chẳng ai có thể hình dung ra ông từng là một ông chủ lớn ở nước Mỹ xa xôi. Nhưng tại bang California, Mỹ, John từng làm giám đốc bưu điện của thành phố Palo Alto, nơi mà có đến hơn 300 người làm việc vì thế không lúc nào John được rảnh rỗi để làm những công việc yêu thích của mình.

Cho đến năm 2011, khi ông thật sự được nghỉ hưu, lúc này John bắt đầu với những chuyến đi thiện nguyện của mình.

John kể cho chúng tôi nghe về niềm thích thú của ông khi đi làm từ thiện, John tâm sự: "Khi làm chuyện gì có ý nghĩa thì tôi cảm thấy rất thoải mái. Khi ở Mỹ gia đình tôi thường đi giúp những người vô gia cư, đi vào nhà thờ để làm việc thiện nguyện cho cộng đồng, trong một tuần chúng tôi sẽ dành ba ngày đều đi làm từ thiện, khi làm những việc làm ấy khiến tôi cảm thấy mình có ý nghĩa đối với cuộc đời.

Nỗi niềm sâu kín

Chọn Việt Nam là điểm đến thứ hai sau Mỹ, John cho biết lý do đơn giản của mình: "Khi tôi bắt đầu gia nhập vào quân ngũ và làm ở bộ phận kỹ thuật thì cũng là lúc chiến tranh ở Việt Nam còn rất căng thẳng, dù không trực tiếp tham chiến ở Việt Nam nhưng những mất mát hy sinh của chiến tranh khiến tôi vẫn rất đau nhói. Sau này, đến năm 2004 tôi có dịp đến bảo tàng chiến tích chiến tranh tại TP.HCM và thấy rằng hậu quả của cuộc chiến để lại quá khốc liệt, và tôi biết rằng mình cần làm một cái gì đó để bù đắp lại những mất mát hy sinh của con người nơi đây". Cũng vì vậy John đến với Việt Nam kiếm việc để làm từ thiện.  

Vì cảm thấy vui nên mỗi năm sau khi làm các công việc thiện nguyện ở Mỹ tôi lại về đây ba tháng để tiếp tục những công việc này. Tôi sẽ cố gắng làm hết sức những thứ có thể".

Bắt đầu từ năm 2011, John đã làm từ thiện cho nhóm Helping HandSaigon bằng việc phát quà cho trẻ em cơ nhỡ. Và đến năm 2013, ông bắt đầu làm ở quán ăn nụ cười. Dành tâm huyết cho việc làm từ thiện, John cho biết giá trị cuộc sống đối với ông là đem lại niềm vui cho người khác và tiền bạc không thực sự là một điều gì đó quá quan trọng, John chia sẻ: "Bây giờ tôi đã nghỉ hưu rồi nên cũng có tiền hưu để sống.

Đối với tôi chuyện ăn, ở chỉ cần ở mức bình thường thôi, tôi không có nhu cầu gì cao, không cần nhiều. Tôi đến Việt Nam và muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa".

John cũng tiết lộ thêm rằng: "Mẹ và chị ở bên Mỹ viết mail và nói rằng cả gia đình cảm thấy rất hãnh diện về việc làm của tôi vì gia đình cũng rất muốn cùng tôi  làm thiện nguyện, nhưng vì chưa có điều kiện nên khi biết ông làm được những điều này thì rất vui".

Đối với ông Tây này việc được làm từ thiện giúp mọi người đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc, nó còn giúp ông khám phá ra những nét đẹp tiềm ẩn ở trong một con người, ông tâm sự: "Ở khách sạn nơi tôi đang ở, tính cho tôi 20 đô một ngày, họ còn cho tôi ăn sáng, khi thắc mắc chuyện gì thì họ đều giải thích rất ân cần, chắc có lẽ vì bà chủ khách sạn biết ông tới đây để làm từ thiện nên lấy giá rẻ tạo điều kiện cho tôi trong những ngày ở Việt Nam". Và ông lại nở một nụ cười tỏa nắng khi nhắc đến những chuyện liên quan đến việc làm từ thiện của mình.

Chỉ một việc làm tình nguyện không lấy tiền để giúp mọi người của John đã đọng lại rất nhiều suy nghĩ. Một người đàn ông ngoại quốc tìm đến Việt Nam chỉ để làm những chuyện như giúp mọi người nấu một phần ăn, châm thêm cơm khiến chúng ta thêm suy nghĩ, chợt thấy câu ca dao xưa ùa về: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".                                      

Hợp Phố

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.