Liên quan tới thông tin phản ánh của nhiều người bệnh sau khi khám tại bệnh viện Da liễu Trung ương (Phương Mai, Hà Nội), ngoài việc nhận được đơn thuốc, họ còn được các bác sĩ cẩn thận lồng vào một thứ Đơn tư vấn là thực phẩm chức năng (TPCN) và khi “khảo giá” bên ngoài thì thấy, giá của bệnh viện khá “chát”, PV đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương.
Về Đơn tư vấn kê TPCN, TS.Thường cho hay, phía bệnh viện cũng có một phần lỗi trong đó.
Được biết, phía bộ Y tế đã ban hành Thông tư 05/2016 quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ ngày 1/5/2016. Thông tư này tiếp tục quy định tuyệt đối không kê TPCN trong đơn thuốc. Bộ Y tế quy định không được ghi TPCN vào đơn thuốc nên bác sĩ phải minh bạch trong kê đơn thuốc và TPCN. Với các sản phẩm hỗ trợ phòng và trị bệnh, thầy thuốc vẫn được phép kê cho bệnh nhân nhưng không được kê chung vào đơn thuốc điều trị bệnh; đồng thời, phải tư vấn rõ ràng cho người bệnh “đó là TPCN, không phải thuốc”.
Bên cạnh đó, vị Giám đốc này cũng chỉ ra rằng, bệnh da liễu có nhiều loại, trong đó có tới 1/3 số bệnh là thiếu hụt vitamin. Đồng thời, đối với bệnh da liễu, 90% cần vitamin và các thuốc liều cao. Kinh nghiệm điều trị cho thấy, trên các thuốc hiện có ở thị trường Việt Nam, nếu chỉ dùng thuốc, kết quả sẽ không triệt để.
TS.Thường cho biết thêm, bệnh da liễu chủ yếu phải bôi mà thuốc ở nước ta sản xuất hiện tại rất ít.
Ví dụ bôi kem chống nắng, trắng da, trị ngứa… 99% gọi là mỹ phẩm, thống kê thuốc để điều trị các dạng trên rất ít.
“Vì phục vụ nhân dân, chúng tôi buộc phải sử dụng những TPCN đó nhưng cũng không quên Thông tư của bộ Y tế. Chúng tôi kê cho bệnh nhân 2 đơn: Thuốc chữa bệnh và Đơn tư vấn như tôi đã nói trên.
Tôi cũng dặn bác sĩ phải tư vấn kỹ cho bệnh nhân. Bệnh nhân có tiền thì mua luôn, không thì mua sau cũng được, nhưng điều quan trọng, bác sĩ phải giải thích rõ”, TS. Thường chia sẻ.
Đồng thời, TS. Thường cũng khẳng định những phản ánh của bệnh nhân là… đúng.
Tuy nhiên, theo TS, mỗi ngày, bệnh viện Da liễu Trung ương có tới khoảng 2.000 bệnh nhân, trời nắng, công việc áp lực nên nhiều khi các bác sĩ, dược sĩ nói ít, bệnh nhân không hiểu hết chứ không có chuyện ép bệnh nhân mua.
“Chúng tôi không sai nhưng nhận trách nhiệm trong sự việc này. Sai thì chúng tôi nhận. Tôi nghĩ, không chỉ có bệnh nhân này mà còn nhiều bệnh nhân khác cũng gặp trường hợp tương tự.
Qua đây, phía Ban lãnh đạo sẽ nhắc nhở các bác sĩ, dù có bận rộn cũng phải giải thích rõ cho người bệnh”, TS. Thường nói thêm.
Trước câu hỏi của phóng viên liên quan tới giá thuốc của bệnh viện liệu có cao hơn giá bên ngoài và có chuyện bác sĩ kê những loại thuốc, TPCN mà chỉ có ở bệnh viện bán, ra ngoài không tìm được? TS. Thường khẳng định không có chuyện đó.
Tuy nhiên, thêm thông tin được phản ánh, trong Đơn tư vấn được kê ra từ các bác sĩ chỉ là TPCN nhưng dòng ghi chú lại có chữ “thuốc” trong câu: “Dùng theo đúng chỉ dẫn, khám lại sau khi uống hết thuốc, nếu có bất thường đến bệnh viện khám lại ngay hoặc liên hệ với bác sĩ theo số điện thoại bên dưới”. Và, dòng chữ này vẫn được lưu lại trong Đơn tư vấn được phóng viên ghi nhận từ người bệnh vào sáng 13/7.
Giải thích cho sự xuất hiện của chữ “thuốc” ấy trong Đơn tư vấn với các loại TPCN, TS. Nguyễn Thị Kim Thu – Trưởng khoa Dược, bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay: "Đây là do công nghệ thông tin. Chữ đó mặc định ở Đơn thuốc nhưng bị nhảy chữ sang Đơn tư vấn".
Phía bệnh viện nhận lỗi và ngay sau đó đã sửa dứt điểm vấn đề này.
Nguyễn Huệ