Những bãi than không rõ nguồn gốc rộng hàng chục ha
Theo thông tin từ tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc bộ Công Thương, vừa qua, đơn vị này đã phối hợp với cục Cảnh sát Kinh tế kiểm tra phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Điều đáng nói, đa phần các bãi than ở đây hoạt động không phép nhưng vẫn tồn tại.
Suốt gần 1 tuần, với sự tham gia của nhiều lực lượng, đến tối ngày 24/8, lực lượng chức năng đã kiểm tra được 15/21 bãi than có dấu hiệu vi phạm và phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ tại một số bãi than ở thị xã Kinh Môn.
Hầu hết các bãi than nằm bên bờ sông Đá Vách, đối diện bên kia sông là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tại mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh.
Các bãi than nằm cách nhau từ 5 - 7 km, giáp bờ sông nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy. Các bãi than có quy mô lớn, có những bãi rộng hàng chục ha.
Việc các bãi than không phép tồn tại trong một thời gian dài trên địa bàn thị xã Kinh Môn khiến dư luận vô cùng bức xúc. Thậm chí, có những trường hợp bị xử phạt số tiền lớn lên đến tiền tỷ nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài.
Năm 2019, lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý 88 trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến hoạt động bến bãi, hành lang an toàn đê điều, giao thông đường thủy và xử phạt tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Điển hình là một số công ty: Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng ở thị trấn Minh Tân, công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Phú Sơn ở phường Hiệp An, công ty CP Bảo Long ở xã Long Xuyên, công ty CP Thương mại Vũ Anh ở xã Phạm Mệnh...
Sau việc xử phạt hành chính, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ các bến bãi phải dừng hoạt động, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định. Tuy nhiên, các chủ bến bãi vẫn phớt lờ ý kiến của đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục hoạt động.
“Các bến bãi này đều hoạt động trong nhiều năm qua và hầu hết không có giấy phép. Quá trình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng không hiểu sao vẫn được hoạt động. Thi thoảng lại có đoàn công tác xuống kiểm tra nhưng việc đâu lại vào đó”, anh Nguyễn Thanh Sơn, trú tại phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn cho biết.
Công an tỉnh Hải Dương vào cuộc
Việc hàng chục bến bãi, với hàng chục nghìn tấn than chất thành “núi” tồn tại trong một thời gian dài bất chấp phản ứng bức xúc của dư luận khiến người dân đặt dấu hỏi: Liệu hoạt động của các bãi than ở thị xã Kinh Môn có thế lực nào “bảo kê” hay chính quyền địa phương còn lơ là trong quản lý?
Trong một lần trả lời báo chí từ tháng 3/2020, bà Nguyễn Thị Liễu, thời điểm đó đang là Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đã xác nhận có tình trạng nhiều bến bãi không phép đang hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm, địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Theo bà Liễu, việc xử lý vi phạm của các bến bãi thuộc chức năng của Hạt Quản lý đê điều thị xã Kinh Môn.
Trước đó, ngày 8/11/2019, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chỉ thị nêu rõ: “Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để xảy ra vi phạm và kết quả xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn”.
Tuy nhiên đến nay, rất nhiều bến bãi không phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung và thị xã Kinh Môn nói riêng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo thống kê của phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, năm 2020, địa phương có tổng số 112 bến bãi đang hoạt động nhưng chỉ có hơn 10 điểm hoạt động có phép còn lại các vị trí khác là bến bãi tự phát và không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động hoặc chưa gia hạn hoạt động.
Các xã, phường có số lượng bến bãi hoạt động nhiều nhất gồm: Xã Minh Hòa (20 bến bãi), thị trấn Minh Tân (20 bến bãi), xã Phạm Mệnh (10 bến bãi), xã Duy Tân (10 bến bãi), xã Thái Thịnh (9 bến bãi), phường Hiệp Sơn (6 bến bãi).
Để làm rõ những thông tin liên quan về việc kiểm soát hoạt động của các bến bãi kinh doanh than, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hướng chỉ đạo xử lý, PV Người Đưa Tin đã trực tiếp liên hệ với ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn nhưng không nhận được phản hồi.
Tiếp tục liên hệ với ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Hùng đề nghị PV trao đổi thông tin với ông Trương Văn Hơn, là Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ông Hơn cho biết: “Sau khi tổng cục QLLT kiểm tra, phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc tại thị xã Kinh Môn, hiện UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Công an tỉnh Hải Dương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương nắm bắt thông tin, tham mưu để xử lý”.
Trong một diễn biến có liên quan, PV đã liên hệ với ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1, là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động các bến bãi thủy nội địa tại 3 tỉnh thành là Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh để làm rõ việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa, các hóa đơn chứng từ có liên quan đến kinh doanh than trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Tuy nhiên, ông Dũng từ chối làm việc với lý do: Không tiếp xúc với người ngoài công ty do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Vụ việc kể trên, chúng tôi không nắm được bất kỳ điều gì, không biết họ (tức tổng cục QLTT - PV) làm những cái gì. Hiện nay, cơ quan điều tra họ đang làm, anh thông cảm, người ta sẽ không bao giờ cho cung cấp cho cơ quan báo chí (!?) Anh thấy đấy, có bài báo nào viết về cái này đâu(!?)
Việc cung cấp thông tin cho báo chí tôi phải xin phép cơ quan điều tra, chúng tôi không cung cung cấp cho bất cứ ai trong giai đoạn này. Khi nào cơ quan điều tra đến làm việc với chúng tôi xong thì chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí”, ông Văn Trọng Dũng trả lời PV Người Đưa Tin.