Theo dõi phiên trả lời chất vấn sáng nay, ông đánh giá thế nào các câu hỏi của đại biểu và nội dung trả lời của Bộ trưởng?
Mỗi đại biểu đặt câu hỏi để chất vấn bộ trưởng cũng đã có suy nghĩ rất kỹ, đại biểu nhận thức câu hỏi của mình là đúng, nhưng khi ra trước nghị trường thì câu hỏi chưa chắc đã đúng với trọng tâm.
Tôi lấy ví dụ câu hỏi của ĐBQH Lê Thanh Vân rằng vì sao số lượng tướng lĩnh của ngành công an thời gian qua vi phạm đến mức phải xử lý bằng chế tài hình sự. Ai là người chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, đề bạt những cá nhân này? Và vụ sản xuất phân bón giả Thuận Phong đã được nhiều ĐBQH quan tâm, nhưng đến nay vì sao chưa khởi tố?
Về phân bón giả của công ty Thuận Phong muốn biết cụ thể các cơ quan tư pháp, hình sự Trung ương, trong đó bộ Công an, toà án sẽ trả lời cho đại biểu bằng văn bản, tôi cho rằng điều này hoàn toàn hợp lý. Một vụ việc cụ thể không đưa ra Quốc hội làm gì? Bởi vì, Quốc hội ở tầm vĩ mô, không có cá biệt.
Về trách nhiệm của bộ Công an thế nào khi nhiều tướng lĩnh vi phạm hình sự. Câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội đã trả lời tôi cho rằng xác đáng, một người có thể hôm nay là anh hùng nhưng ngày mai không còn là anh hùng nữa nếu như tâm hồn không trong sáng. Trước đây, họ không vi phạm thì bổ nhiệm bình thường, nhưng bây giờ phát hiện vi phạm thì xử lý một cách nghiêm minh, tôi cho rằng đây là điều hoàn toàn hết sức công bằng.
Xem video: Giám đốc công an Nghệ An bày tỏ về câu trả lời chất vấn của bộ trưởng Tô Lâm
Là người thuộc ngành công an, nhưng nhìn nhận từ phía một ĐBQH, cá nhân ông đánh giá như thế nào về phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay?
Tôi cho rằng, các câu hỏi của các ĐBQH đã thể hiện đúng ý nguyện của nhân dân, cử tri. Những vấn đề nóng về ma tuý, tín dụng đen, thảm án do ngáo đá, do mâu thuẫn bộc phát, tai nạn giao thông do rượu bia, ma tuý… là những vấn đề nóng được đưa ra chất vấn, tôi thấy đây là những câu hỏi rất xác đáng. Bộ trưởng bộ Công an cũng trả lời rất thẳng thắn những gì làm được thì thừa nhận là được, mong xã hội hết sức ủng hộ, còn những cái gì chưa làm được cũng xin thừa nhận chưa được và tiếp tục có những giải pháp để khắc phục. Tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm vấn đề giải pháp.
Các ĐBQH cũng đã nêu về việc điều hành khiến người dân tiếp cận nguồn vốn khó khăn, nhiều người tìm đến tín dụng đen, ông đánh giá như thế nào?
Tôi cho rằng, về mặt khoa học tội phạm là một hiện tượng xã hội nảy sinh trong xã hội, nên cả xã hội cần chung tay giải quyết, chứ không riêng một ngành nào cả. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ một ngành không thể làm được. Tuy nhiên, ngành nào chủ trì thì ngành đó chịu trách nhiệm chính.
Ví dụ, về đấu tranh phòng chống tội phạm thì ngành Công an phải chịu trách nhiệm. Vấn đề ở đây là ngành nào chưa làm được thì khắc phục, còn việc đã làm rồi thì rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Tuy nhiên, xã hội cũng cần phải hết sức thông cảm, một mình lực lượng công an cũng không thể làm nổi. Phải chung tay của cả cộng đồng cũng như gia đình và xã hội.
Thưa ông, có rất nhiều việc cần phải làm, cũng như sự vào cuộc của các cấp các ngành. Tuy nhiên, việc nào cần phải làm trước để giảm tình trạng ma tuý diễn biến phức tạp?
Tôi cho rằng, đấu tranh phòng chống ma tuý hiện nay có 4 vấn đề lớn, hơi khác biệt so với năm trước:
Thứ nhất, số lượng ma tuý không phải từng tép, lượng, cân, mà lên đến tạ, tấn.
Thứ hai, ma tuý ngày xưa đối tượng người nước ngoài tham gia ít hơn, bây giờ lại xuất hiện các đường dây lớn có đối tượng người nước ngoài.
Thứ ba, các loại ma tuý ngày càng phong phú, nhiều loại, theo thống kê có gần 500 loại ma tuý khác nhau.
Thứ tư, người nghiện ma tuý đang có xu hướng tăng và trẻ hoá.
Để giải quyết tình hình này, trách nhiệm thuộc về cả hệ thống chính trị, hiện nay bộ Công an đang tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 26 của bộ Chính trị về công tác đấu tranh phòng chống ma tuý. Sắp tới, đang đề nghị sửa luật phòng chống ma tuý, trong luật này sẽ đề xuất biện pháp mạnh tay. Sửa luật tương đối đồng bộ để tạo cơ sở pháp lý hoạt động mạnh mẽ.
Đặc biệt, cần tăng nguồn lực, đằng sau một vụ án ma tuý phá thành công là cả mồ hôi, nước mắt, xương máu của mỗi chiến sỹ… Nguồn lực về con người là đủ, nhưng cần tăng nguồn lực về cơ sở hạ tầng.
PV: Xin cảm ơn ông!
H.Bích - C.Luân - T.Huế