Phát ngôn khiến dư luận xôn xao
Từ tối 24/8- sáng 25/8, dư luận Tp. Đà Nẵng đặc biệt chú ý đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, động thái này xuất hiện khi UBND Tp. Đà Nẵng thông báo sẽ tiếp tục thực hiện thắt chặt các hoạt động phòng chống dịch theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" thêm 10 ngày. Trước đó, việc thực hiện "ai ở đâu thì ở đó" đã được địa phương triển khai từ ngày 16/8 - 26/8.
Người dân Đà Nẵng đồng tình với những phương pháp mà chính quyền đặt ra để sớm chấm dứt dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng sau thông báo thắt chặt các hoạt động thêm 10 ngày, dư luận địa phương đặc biệt bày tỏ mối quan tâm về nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Đỉnh điểm, sau cuộc họp báo chiều 24/8, một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đăng tải phát ngôn của bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng rằng từ ngày 16/8 - 22/8 tình hình cung ứng lương thực cho người dân cơ bản được đáp ứng. Trong thời gian người dân thực hiện quy định "ai ở đâu thì ở đó", thông tin phản ánh lên cho thấy "người dân cơ bản hài lòng" và "không có sự phàn nàn về việc cung ứng lương thực phẩm". Tuy nhiên, từ chiều ngày 22/8 nhu cầu của người dân có tăng đột biến.
Phát ngôn này sau đó ngay lập tức nó gây xôn xao dư luận.
Trên trang Facebook "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp" (đây là trang mạng do thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, ban thuộc UBND Tp. Đà Nẵng quản lý - PV) có hàng trăm, hàng ngàn lượt bình luận về câu nói này của bà Phương. Họ có ý kiến rất nhiều về nhu cầu hàng hóa. Cụ thể hơn, người dân không hài lòng bởi khó tiếp cận hàng hóa, lương thực thực phẩm. Qua mỗi ngày giãn cách, nhu cầu của người dân càng tăng lên do hàng hóa trích trữ vơi dần. Chưa kể còn rất nhiều nhu cầu thiết yếu phát sinh khác.
Các ý kiến trên trang Facebook do UBND Tp. Đà Nẵng quản lý này cũng thể hiện, việc đặt mua hàng qua tổ dân phố với người dân còn nhiều bất cập, lực lượng tổ dân phố đa phần cao tuổi nên dù rất nỗ lực vẫn quá tải. Việc đặt hàng qua các siêu thị được cấp phép cũng chậm trễ, các số hotline luôn trong tình trạng "bận".
Ngoài ý kiến bày tỏ vấn đề về việc cung ứng nhu yếu phẩm của Đà Nẵng thì cũng có những dòng bình luận rằng mọi người nên hiểu, thông cảm và sẻ chia vì đây là tình hình chung. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ xảy ra ở Tp. Đà Nẵng nên lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh, thành đều khó khăn. Bản thân Tp. Đà Nẵng có chợ Đầu Mối, lò mổ Đà Sơn, cảng cá Thọ Quang là nơi cung cấp nguồn thực phẩm nhất nay cũng phải đóng cửa.
Giám đốc sở Công thương giải thích rõ vấn đề?
Sáng 25/8, trả lời Người Đưa Tin, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng cho biết, bà đã xem qua các nội dung mà người dân bình luận, nêu ý kiến sau câu nói của bà.
Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, thực sự dư luận đã hiểu nhầm, hiểu chưa hết do việc đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng lại trích dẫn thiếu câu nói của bà.
"Tôi nói là trong vòng từ ngày 16/8 - 22/8, vì đã có sự trích trữ sẵn từ trước và thành phố cũng cung ứng củ quả cho nên người dân cơ bản hài lòng. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần, từ ngày 22/8 và đặc biệt những ngày gần đây thì số lượng đơn hàng tăng đột biến. Các siêu thị không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đó là một thực tế, một áp lực. Tuy nhiên, một số phương tiện thông tin đại chúng không đăng hết ý của tôi nên gây hiểu lầm", bà Phương chia sẻ.
Theo người đứng đầu ngành công thương Tp. Đà Nẵng, hiện, ngành nỗ lực rất nhiều để đảm bảo an sinh cho người dân. Công tác này gặp vô vàn khó khăn nên cần sự chia sẻ, thấu hiểu của dư luận.
"Trong điều kiện bình thường thì hệ thống phân phối thương mại của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung ứng tối đa chỉ 30%. Còn lại là ở các chợ truyền thống, tạp hóa, rạp hàng rong... Bộ phận này tham gia rất nhiều trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Đây là nguyên tắc rồi, quy luật hàng ngày mà ai ai cũng có thể thấy. Giờ dịch dã, ưu tiên cao nhất là phòng chống dịch thì buộc phải đóng cửa các loại hình như chợ truyền thống, hàng rong vì nó tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch rất cao. Các loại hình này dừng thì áp lực đổ vào các siêu thị là điều không thể phủ định. Hãy hình dung bình thường siêu thị chỉ gánh 3 tấn, nay đang dịch bệnh mà bắt họ gánh 10 tấn thì sao có xuể, sao tránh khỏi quá tải, thiếu sót", bà Phương giãi bày những khó khăn đang gặp phải của ngành công thương.
Về các giải pháp trong thời gian tới, theo sở Công thương Tp. Đà Nẵng, hiện UBND Tp. Đà Nẵng đã có văn bản tham mưu HĐND TP về việc thông qua gói hỗ trợ lương thực cho gần 150.000 hộ dân. Ngoài ra 1.000 tấn rau củ quả cho thành phố đã được 1 tập đoàn tài trợ. Những việc này phần nào sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân trong những ngày phong tỏa.
Ngoài ra, UBND Tp. Đà nẵng sẽ xem xét cho lực lượng shipper công nghệ tham gia vào việc được giao hàng cho người dân. Việc này là để giảm bớt áp lực về việc phân phối hàng cho người dân. Đà Nẵng cũng sẽ cho các cửa hàng, siêu thị cung ứng lương thực được nâng số lượng nhân viên lên tới 60%. Hai nội dung này sẽ được áp dụng từ 8h ngày 26/8.
Tiếp nữa, Tp. Đà Nẵng đang lên kế hoạch mở lại cảng cá Thọ Quang và lò mổ Đà Sơn. Đây là những nơi sơ chế, cung cấp thực phẩm lớn nhất cả miền Trung. Cùng với, chợ truyền thống khi điều kiện thích hợp, dịch được kiểm soát cũng xem được xem xét mở lại. Trong đó, hai chợ lớn được ưu tiên mở lại là chợ Cồn và chợ Đầu mối Hoà Cường. Tại mỗi quận, huyện sẽ mở từ 2 đến 3 chợ.