Theo thông tin mới nhất từ Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - nhiều ngày trước khi bị phát hiện bắt quả tang, Lê Duy Phong đã nhận tiền của Giám đốc sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái.
Cũng theo báo cáo từ Công an tỉnh Yên Bái, quá trình điều tra, bản thân nhà báo Duy Phong đã khai nhận hành vi phạm tội rằng ngày 16/6/2017 đã lên tỉnh Yên Bái, gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái. Tại cuộc gặp này, nhà báo Duy Phong có nêu một số vi phạm, cung cấp thông tin, yêu cầu ông Sáng giải quyết.
Trích lời Trung tướng Tuyến: “Nhà báo này yêu cầu ông Sáng chuyển cho phóng viên 200 triệu đồng. Tại thời điểm đó, Giám đốc sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái chưa đủ tiền nên chuyển 100 triệu đồng, chiều chuyển tiếp 100 triệu đồng còn lại cho phóng viên này”.
Nói về trách nhiệm của ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng, vụ án đang trong quá trình điều tra, chi tiết trên vẫn đang được làm rõ. Cơ quan điều tra đang xác minh hành vi của ông Sáng, nếu có đủ căn cứ sẽ xử lý.
Trước thắc mắc của độc giả rằng Giám đốc sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái có hành vi đưa tiền cho phóng viên Duy Phong để "mua sự im lặng” thì có bị xử lý hay không? Để giải đáp câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ánh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).
Theo luật sư Thơm, trường hợp nhà báo Duy Phong lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đe dọa, hay gợi ý “làm tiền”, Giám đốc sở KH-ĐT Yên Bái là bị hại trong vụ án tuy chưa đến mức bị tê liệt về ý chí nhưng do lo sợ mà bỏ ra một khoản tiền để "mua sự im lặng” nhằm che giấu sai phạm của mình thì hành vi này có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ.
“Theo đó, đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”, luật sư Thơm phân tích.
Tuy nhiên, luật sư Thơm nhấn mạnh, cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ Giám đốc sở KH-ĐT Yên Bái có khai báo cơ quan chức năng về việc đưa tiền cho nhà báo Phong trước khi sự việc bị phát giác hay không. Bởi đối với ông Vũ Xuân Sáng, nếu chủ động khai báo với cơ quan chức năng trước khi sự việc bị phát giác, ông Sáng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 6, Điều 289, Bộ luật Hình sự. Ngược lại, nếu không khai báo hoặc khai báo sau khi sự việc bị phát giác, ông Sáng sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự”, luật sư Thơm nói.
Cụ thể, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ, Giám đốc sở KH-ĐT Yên Bái có thể phải đối diện với mức án tù từ 13 - 20 năm theo Khoản 3, Điều 289, Bộ luật Hình sự (của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng).
Điều 289. Tội Đưa hối lộ ... 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. ... 6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. |
Yến Nhi