UBND TP.Hà Nội vừa trình lên HĐND TP đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có đề án thay đổi giờ học, giờ làm. Để làm rõ vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị HĐND TP đối với ông Vũ Văn Viện - Giám đốc sở GTVT Hà Nội.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về đề án thay đổi giờ học, giờ làm mà UBND TP vừa trình HĐND TP xem xét?
Ông Vũ Văn Viện: Như trong đề án, tờ trình cũng như dự thảo nghị quyết đã nêu, TP đề xuất các phương án, nhóm giải pháp lớn để HĐND thống nhất về mặt chủ trương. Một trong những chủ trương để giảm phương tiện tham gia giao thông trong một ngày là chúng ta phân nhóm đối tượng sinh hoạt ra. Giờ học, giờ làm khác nhau sẽ giúp giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm. Đây là một nội dung trong chủ trương HĐND sẽ ra nghị quyết và sau khi HĐND thống nhất, UBND sẽ xây dựng đề án cụ thể, khi ấy sẽ phân từng nhóm đối tượng.
Không phải bây giờ chúng ta mới làm mà từ năm 2012, Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm. Lần này, chúng ta tiếp tục rà soát có thể gán giờ học, giờ làm cho từng nhóm đối tượng tốt hơn nhằm giảm mật độ giao thông trong thực tiễn. Chúng ta đi sớm 15 phút đã khác và chậm 15 phút đã khác.
PV: Trước đây, việc thay đổi giờ học giờ làm cũng từng được thực hiện nhưng sau đó thất bại, vậy đề án lần này thì sao?
Ông Vũ Văn Viện: Lần trước không phải thất bại mà lần trước chúng ta đã phân được giờ làm việc cho các cơ quan Trung ương, các cơ quan ở Hà Nội, các nhóm đối tượng kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng này thời gian chưa dài. Hơn nữa, việc thay đổi giờ học, giờ làm là việc liên quan đến toàn xã hội nên phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng để đảm bảo khoa học, thực tiễn và khả thi. Nội dung đề án lần này, UBND TP sẽ chỉ đạo chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khả thi hơn.
Khi có đề án, chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng để cùng thống nhất lựa chọn phương án tốt nhất. Mọi phương án đều nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo cho số đông người dân. Có thể nói, phương án dù có ảnh hưởng đến một bộ phận nhưng mang lại lợi ích chung cho xã hội.
PV: Giải pháp dự kiến giờ sớm nhất, muộn nhất mà TP tính đến sẽ như thế nào?
Ông Vũ Văn Viện: Chúng ta sẽ phân từng nhóm đối tượng khác nhau cho phù hợp. Chúng tôi chưa nghiên cứu cụ thể nhưng cũng nói rất rõ là vận chuyển hàng hóa phải đi vào buổi đêm, hiện đã và đang làm. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải thay đổi một nhóm đối tượng học sinh nào đó để lệch giờ với nhóm đối tượng khác, đi từ 9h sáng đến 3h chiều chẳng hạn. Thực tế hiện nay chúng ta đều biết, trong những ngày tháng mà không có học sinh đi học, giao thông dễ dàng hơn rất nhiều so với thời điểm bắt đầu năm học mới.
Nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là nhóm cần quan tâm tính toán thời điểm đi học cho phù hợp với các cháu và cả các bậc phụ huynh đưa đón. Đây là bài toán cần nghiên cứu kỹ. Thời gian tới, cơ quan chủ trì đề án sẽ nghiên cứu để làm sao giao thông dàn đều trong một ngày nhằm giảm ùn tắc.
PV: Đề án thay đổi giờ học, giờ làm lần này sẽ rút kinh nghiệm thế nào để việc thực hiện khả thi hơn lần trước?
Ông Vũ Văn Viện: Mỗi đề án liên quan đến xã hội đều tác động đến các nhóm đối tượng và đề án này sẽ tác động rất lớn. Trong quá trình triển khai đề án như thế này, Hà Nội quan tâm đến việc đảm bảo tính khoa học, thực tiễn nhưng đồng thời tiếp thu ý kiến nhân dân trong các nhóm bị tác động, làm sao tập hợp được đông đảo ý kiến nhất.
Theo tôi, bất kỳ một phương án nào cũng không thể hài lòng được hết các nhóm đối tượng khác nhau, nhưng chúng ta phải vì mục tiêu chung, đảm bảo lợi ích chung cho xã hội, trên cơ sở đó chọn ra giải pháp tốt nhất. Tôi tin rằng các nhóm đối tượng và tầng lớp nhân dân sẽ ủng hộ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đảm bảo 80% người dân tiếp cận điểm dừng đỗ dưới 500m "Như chúng tôi đã nói, điều kiện để dừng hoạt động xe máy ở nội đô là mạng lưới giao thông công cộng phải đáp ứng được đa số người dân, các điểm dừng đỗ phải đảm bảo 80% số dân tiếp cận ở khu vực dưới 500m và 20% là trên 500m. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ mạng lưới trên cơ sở các tuyến đường sắt đô thị dự kiến đi vào hoạt động từ nay đến 2030, phải kết nối bằng xe buýt trên cơ sở mạng lưới phủ kín TP. Tiến tới mục tiêu dừng hoạt động xe máy, chúng tôi có phát triển hệ thống giao thông công cộng… Ở các ngõ nhỏ có thể đi bộ dài hơn 500m, chúng tôi tính toán kết nối bằng xe đạp công cộng, xe đạp cá nhân. Người dân có thể đi xe đạp đến đó gửi, có dịch vụ cho thuê xe đạp tại các điểm nút giao thông công cộng. Tuy nhiên, không loại trừ có hành khách sử dụng taxi để kết nối từ nhà đến địa điểm có hoạt động vận tải hành khách công cộng. Việc kết nối sẽ được tính toán cụ thể. Tôi tin việc kết nối phương tiện giao thông công cộng sẽ giúp an toàn hơn, tiện lợi hơn. Chúng ta cũng thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị. Chúng ta không dừng thu hồi phương tiện cũ nát mà điều tra thêm về việc này" - Giám đốc sở GTVT Hà Nội nói về đề án hạn chế xe máy giảm ùn tắc giao thông. |
Nhất Nam (ghi)