Những ngày gần đây, dư luận và báo chí xôn xao về chuyện bà Hoàng Thị Huệ, thường trú tại tổ 51, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đang sở hữu một khu dinh thự nguy nga tráng lệ rộng 13.577 m2 tại phường này, bao gồm khu biệt thự, nhà sàn, nhà thờ, hồ nước, cầu treo dây văng… khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Điều đáng nói ở chỗ: bà Huệ là vợ của ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc sở TNMT tỉnh Yên Bái, người từng có nhiều năm giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Yên Bái, đồng thời là em trai một lãnh đạo tỉnh này.
Ngoài ra, chung quanh mảnh đất rộng hơn 13.000 m2 này cũng có nhiều lùm xùm về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng của nó, từ đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý. Theo đó, để chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này, UBND tỉnh Yên Bái đã ký 7 quyết định, trong đó có 6 quyết định được ký chỉ trong vòng một ngày (20.7.2015).
Để rộng đường dư luận, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) về vấn đề trên:
P/V: Trả lời báo chí tối 8/6/2017, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết đã nắm được thông tin mà báo chí phản ánh về khu nhà đất của gia đình ông Quý và đã giao cho UBND tỉnh kiểm tra xác minh. Theo ông, việc lãnh đạo tỉnh khi báo chí hỏi đến mới trả lời là “đã nắm được thông tin” về nhà ở của gia đình ông Quý có khó tin hay không?
Cái đó cũng khó giải thích, vì cũng có những người không quan tâm đến, nhưng thực tế trường hợp đó không nhiều. Tuy nhiên bây giờ báo chí đã nêu rồi thì lãnh đạo tỉnh Yên Bái chắc chắn phải giải quyết, dù đó là một công dân bình thường hay là anh em ruột thịt của lãnh đạo tỉnh.
P/V: Liên quan đến vụ việc này, tỉnh Yên Bái đã có chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với sở TNMT xác minh, báo cáo. Dư luận cho rằng một vụ việc lớn như vậy mà để Yên Bái chủ trì thanh tra thì không khách quan, vì đối tượng bị thanh tra là người nhà của lãnh đạo tỉnh và đơn vị phối hợp thanh tra lại chính là Sở TNMT nơi ông Quý làm giám đốc. Ông có nghĩ như vậy hay không?
Ông Phạm Trọng Đạt: Về mặt nguyên tắc thì quy trình mà Yên Bái đang làm là đúng, cứ để họ làm theo đúng trình tự thủ tục. Còn sau đó nếu kết luận thanh tra mà chưa khách quan thì rất có thể Thanh tra Chính phủ sẽ phải vào cuộc để thanh tra lại.
Vụ việc này, cũng như vụ việc của cô Trưởng phòng của sở Xây dựng Thanh Hóa trước đây theo tôi là rất dễ, quan trọng tỉnh có làm đến cùng hay không. Ban đầu thì cứ để Thanh tra tỉnh làm, nếu thanh tra không làm được thì Ủy ban kiểm tra làm, mà Ủy ban kiểm tra không làm được thì cơ quan điều tra vào làm. Luật pháp cho phép cơ mà, kể cả vụ việc chưa cần khởi tố thì cơ quan điều tra vẫn có quyền vào cuộc để điều tra xác minh.
P/V: Việc UBND tỉnh Yên Bái ký 6 văn bản trong một ngày để chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này cho gia đình ông Quý vào ngày 20.7.2015 – khi đó ông Quý là phó giám đốc Sở TNMT kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Yên Bái theo ông có bất thường hay không? Có khi nào một người dân bình thường lại được cơ quan chức năng giải quyết công việc “sốt sắng” đến như vậy không?
Ông Phạm Trọng Đạt: Một ngày ký 6 cái quyết định thì bức xúc của người dân là có cơ sở. Bởi trên thực tế chắc chưa có người dân bình thường nào được cơ quan quản lý giải quyết nhanh chóng như vậy. Tôi cho rằng thực sự đây là có vấn đề rồi.
P/V: Câu chuyện này xét đến cùng vẫn là chuyện minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ. Theo ông làm như thế nào để quản lý chặt chẽ việc cán bộ kê khai tài sản, vì rõ ràng là không thể trông chờ vào sự tự giác trung thực? Thực tế chưa có trường hợp nào địa phương tự phát hiện mà đều là do người dân hoặc báo chí khui ra.
Ông Phạm Trọng Đạt: Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 23-5-2017 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ra đời là một bước tiến mới trong tăng cường giám sát kê khai tài sản. Theo quy định này, hơn 1.000 cán bộ cấp cao từ thứ trưởng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban bí thư về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập.
Sắp tới các cấp thấp hơn, các địa phương cũng sẽ được thực hiện như vậy. Nói tóm lại là sẽ có phân cấp quản lý, có quy trách nhiệm rõ ràng, và phải có cơ quan thẩm định. Trước đây chủ yếu dựa vào sự tự giác, các cá nhân tự kê khai rồi tập thể gửi cho Thanh tra Chính phủ để tập hợp, mặt khác cũng chưa có một cơ quan độc lập giám sát việc kê khai này cho nên cũng chưa có ai bị kỷ luật vì kê khai không trung thực do đó hiệu quả thực thi không cao.
P/V: Trở lại câu chuyện của Yên Bái, theo ông tỉnh này nên xử lý như thế nào để dẹp tan mối nghi ngại trong dư luận?
Ông Phạm Trọng Đạt: Vấn đề cốt lõi vẫn phải là minh bạch. Nếu mọi chuyện được làm cho sáng tỏ, minh bạch thì chẳng có gì mà phải sợ dư luận cả. Còn chừng nào chưa làm cho minh bạch thì người ta có quyền nghi ngờ nếu như tài sản ông đang sở hữu có một khoảng cách lớn, gấp hàng trăm hàng nghìn lần so với mức thu nhập và tài sản công khai như vậy.
Để minh bạch, Yên Bái cần thanh tra hai vấn đề: một là nguồn gốc khối tài sản, hai là quá trình chấp hành pháp luật đất đai đối với mảnh đất này. Quyết định số 71 do Thanh tra tỉnh này ban hành ngày 9/6/2017 chỉ thanh tra nguồn gốc mảnh đất mà không thanh tra nguồn gốc số tài sản để mua và xây dựng dinh thự này, theo tôi là chưa đủ.
P/V: Xin cảm ơn ông!
Minh Minh (thực hiện)