“Không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm”
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét kỳ án Hồ Duy Hải theo trình tự giám đốc thẩm. Theo cáo buộc, Hồ Duy Hải (35 tuổi, trú tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã có hành vi sát hại 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi vào năm 2008.
Bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên Hồ Duy Hải tử hình về tội 2 tội Giết người và Cướp tài sản. Sau đó, Hải cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Loan và những người thân trong gia đình ròng rã kêu oan, đề nghị hoãn thi hành án.
Cuối năm 2019, VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại vụ án.
Điều hành phiên giám đốc thẩm là ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao. Hội đồng Thẩm phán gồm 17 thành viên. Bị án Hồ Duy Hải không có mặt tại phiên giám đốc thẩm này.
Đại diện cơ quan công tố là ông Nguyễn Huy Tiến - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao tham dự phiên tòa.
Thành phần tham dự còn có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương; C01, bộ Công an; các điều tra viên tham gia điều tra vụ án.
Tuy nhiên, vẫn có một số thành phần vắng mặt là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định tạm giam đối với Hồ Duy Hải cùng một số kiểm sát viên... tham gia quá trình giải quyết vụ án.
Vụ án này được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Với trọng trách và nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Yêu cầu đặt ra với phiên tòa là phải xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục pháp luật trên cơ sở phán quyết chặt chẽ, thận trọng, công tâm, không cho phép sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Luật sư cung cấp thêm chứng cứ
Không ai được vào tham dự phiên giám đốc thẩm, trừ những thành phần được mời. Trong lúc cơ quan chức năng làm việc, mẹ và em gái Hồ Duy Hải đứng ngồi không yên, đợi ở ngoài, chờ tin tức từ luật sư.
Kết thúc phiên xử buổi sáng, luật sư Trần Hồng Phong (người bào chữa cho Hồ Duy Hải) đã thông tin tới báo chí. Theo đó, luật sư Phong cho biết: Sáng nay, ông đã trình bày xong phần của mình. Hội đồng Thẩm phán đã tạo điều kiện cho luật sư được trình bày về những chứng cứ mới.
Chiều nay, Hội đồng Thẩm phán sẽ làm việc nội bộ, chủ yếu là xem xét, đánh giá chứng cứ, các tài liệu liên quan. Do vậy, luật sư không cần thiết phải tham dự. Tuy luật sư đã làm đơn xin phép được tiếp tục tham dự đủ 3 ngày diễn ra phiên giám đốc thẩm nhưng sau khi trao đổi với các thành viên trong Hội đồng Thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Hòa Bình đã quyết định là không cần thiết phải có mặt luật sư.
Luật sư Phong nói thêm, từ trước tới nay, phiên giám đốc thẩm thường không có mặt luật sư. Tuy nhiên, đối với vụ án này, luật sư đã được mời và được trình bày với thời gian khoảng 20 – 30 phút. Đây là điều rất đáng ghi nhận.
Sau đó luật sư Phong cũng đã trao đổi với đại diện VKSND Tối cao, làm việc với bộ phận văn thư của tòa án và cung cấp một số tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án. Phía VKSND Tối cao đã công bố toàn bộ nội dung kháng nghị.
Mặc dù làm việc nội bộ, song luật sư Trần Hồng Phong mong rằng, Hội đồng Thẩm phán của TAND Tối cao sẽ xem xét, đánh giá vụ án một cách thận trọng, hợp lý.
Bản án phúc thẩm thể hiện, năm 2007, Hồ Duy Hải quen biết 2 nữ nhân viên của Bưu điện (BĐ) Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là N.T.A.H và N.T.T.V. Khoảng 19h30 ngày 13/1/2008, Hải đến BĐ Cầu Voi ngồi uống nước, nói chuyện với chị H., chị V. Đến 20h30, BĐ nghỉ, Hải đưa tiền cho chị V. đi mua trái cây về ăn. Khi chị V. đi, Hải nảy sinh ý định hiếp dâm H. nên kéo vào buồng, đẩy chị nằm ngửa xuống ghế (loại xếp).
Chị H. phản ứng, đạp vào bụng Hải, chạy về phía cầu thang khu vực bếp. Hải đuổi theo, chị H. kêu lên. Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay, thớt đánh vào mặt, bóp cổ, lấy dao giết chị H. Lúc này chị V. đi mua trái cây về cũng bị Hải dùng ghế, dao sát hại. Sau đó, Hải lên phòng giao dịch, mở tủ lấy hơn 1 triệu đồng và một số tài sản, đồ nữ trang rồi bỏ trốn.
Theo bản án phúc thẩm, Hải mang một số nữ trang lên TP.HCM bán được 3,7 triệu đồng. Quần áo, dây thắt lưng mang khi gây án, Hải đem đốt ở vườn sau nhà người tên Len để phi tang.