Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, đặc biệt đối với cán bộ y tế, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đoàn Tp.Hà Nội đã có những trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
PV: Thưa bà, khi thực hiện cải cách tiền lương, xác định vị trí việc làm thì các cán bộ y tế có được xác định vị trí việc làm và tiền lương tương xứng so với quá trình đào tạo và công tác hay không?
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Chúng tôi cho rằng, cán bộ y tế làm việc trong môi trường hết sức đặc thù, đặc biệt. Ngoài công việc thông thường như những viên chức và người lao động trong môi trường lao động khác, thì các cán bộ y tế, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát hoặc khi xảy ra hỏa hoạn, thiên tai bất ngờ, luôn luôn là lực lực lượng tuyến đầu, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Với môi trường như vậy, việc quan tâm đến chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế luôn được Đảng, Chính phủ và Quốc hội rất quan tâm.
Cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động, trong đó, có cán bộ y tế là một vấn đề rất quan trọng và cần phải sớm được ban hành để giúp đỡ phần nào cho những khó khăn của cán bộ y tế.
Ngoài ra, cùng với cải cách tiền lương sẽ có những quy định để tăng mức đãi ngộ, có những hệ số phụ cấp cho cán bộ y tế công tác tại những ngành nghề đặc thù đặc biệt.
Ví dụ: Làm việc trong môi trường ô nhiễm, làm việc tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS hay cán bộ y tế làm việc ở những môi trường xét nghiệm độc hại sẽ có những chế độ phụ cấp từ 0,2; 0,3; 04; 0,7... Do đó, có những cán bộ y tế nhận được mức phụ cấp phù hợp đối với môi trường làm việc.
PV: Theo bà, cải cách tiền lương có giải quyết được câu chuyện các y bác sĩ có mức lương khởi điểm thấp, không đủ bám trụ với nghề như hiện nay?
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Theo tôi, vấn đề cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ trong thời điểm hiện nay cũng chỉ tháo gỡ được một phần những khó khăn, vướng mắc.
Với mức thu nhập của cán bộ y tế, cần có những giải pháp quan trọng hơn, căn cơ hơn để đảm bảo thu nhập cho cán bộ y tế và thu hút cán bộ y tế.
Đặc biệt, là thu hút những cán bộ y tế chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực phát triển kỹ thuật trong ngành y tế. Quan trọng hơn là chú ý đến chế độ để thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở và trạm y tế xã.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, chúng ta cần phải nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở. Điều này đồng nghĩa với việc thu hút nhân lực. Đối với ngành y tế, nếu chúng ta không có nhân lực y tế thì không có hiệu quả trong đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Tôi cũng cho rằng, phải có những chế độ về cơ chế tài chính trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở y tế để ngoài việc chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ thì có một cơ chế tài chính phù hợp để tăng thêm mức thu nhập ngoài tiền lương. Đây là một vấn đề rất trăn trở của Quốc hội trong suốt những kỳ họp vừa qua.
Cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể rõ ràng cho cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế tài chính tại tuyến y tế cơ sở. Hiện nay, những khó khăn này đang tiếp tục được giải quyết.
Chúng ta cũng thấy rằng, khi thu hút nhân lực về tuyến y tế cơ sở thì cũng phải có những chế độ đãi ngộ lần đầu tiên thu hút. Theo đó, đảm bảo các cán bộ y tế bác sĩ tự nguyện và sẵn sàng tham gia công tác tại cơ sở. Từ đó, bước đầu giải quyết những khó khăn, thiếu nhân lực tại tuyến y tế cơ sở.
PV: Cũng có nhiều ý kiến rằng tiền lương thấp là nguyên nhân khiến các cán bộ y tế phải làm thêm bên ngoài và đôi khi "chân ngoài lại dài hơn chân trong". Theo bà, tình trạng này có còn kéo dài sau cải cách tiền lương?
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Cán bộ y tế cũng có thể tham gia cơ sở hành nghề y dược tư nhân và quy định của Luật Khám chữa bệnh cũng công bằng giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Người dân có thể được phục vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn.
Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, các cơ sở y tế công lập còn có một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là phục vụ những người già, những người yếu thế, những trẻ em và người nghèo, những vùng sâu, vùng xa mà không đủ điều kiện kinh tế để có thể tham gia sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế tư nhân.
Vì vậy, rất cần quan tâm đến chế độ, chính sách dành cho cán bộ y tế ở các tuyến cơ sở y tế công lập. Chúng ta cũng cần đẩy tiến độ ban hành các văn bản và cải cách tiền lương cũng phải có một chính sách toàn diện, để quan tâm đến cán bộ y tế từ thu nhập đến môi trường làm việc.
Đồng thời, cũng phải có những chính sách về cung cấp trang thiết bị, thuốc, hóa chất... để cán bộ y tế yên tâm và được sử dụng những trang thiết bị y tế hiện đại để phát triển chuyên môn tốt nhất.
Như vậy, khi phát triển chuyên môn được thì thu nhập của cán bộ y bác sĩ tăng cao. Đây cũng là cách để chúng ta có thể giữ chân cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở công lập.
PV: Như vậy, cải cách tiền lương sắp tới sẽ là một tin vui đối với hàng triệu viên chức ngành y tế?
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Cải cách tiền lương và có những chế độ đổi mới cơ chế tài chính là những giải pháp rất căn cơ căn cơ để chúng ta đảm bảo nhân lực y tế cơ sở y tế. Tôi đặc biệt quan tâm tới nhân lực y tế tại các trạm y thị xã còn đang vô cùng khó khăn trên tất cả các địa bàn trong cả nước.
Chính vì vậy, tôi hy vọng chúng ta sẽ chú ý và quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách với các nhân viên y tế tại các trạm y tế xã.
PV: Xin cảm ơn đại biểu!.