Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa cho biết, trong tháng 7 và 8/2018, hàng loạt mác tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn xuất phát từ từ Sài Gòn, Hà Nội đi các địa phương trên tuyến đường sắt Thống Nhất sẽ giảm giá từ 8% đến 20%.
Cụ thể, từ ngày 7/7 đến hết ngày 12/8, ĐSVN sẽ giảm 10% giá vé loại chỗ ghế ngồi hiện hành trên các mác tàu: SE21/SE22, NH1/NH2 chạy vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư hàng tuần; SE26, SQN2, SNT2, SNT4, SNT6… chạy vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần; SE25, SQN1, SNT1, SNT3, SNT5… chạy vào các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần; SPT2 chạy vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, Chủ nhật hàng tuần; SPT1 chạy vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần; SPT4 chạy vào các ngày thứ Hai, Chủ nhật hàng tuần; SPT3 chạy vào các ngày thứ Hai, thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần.
Bên cạnh đó, từ nay đến 31/7, ngành đường sắt giảm 8% giá vé hiện hành đối với các loại chỗ hầu hết các ngày trong tuần trên các tàu: SE17/SE18, QB1/QB2, QB3/QB4; tàu SE20 có ga đi từ Đà Nẵng đến Vinh, có ga đến từ Đồng Hới đến Hà Nội; Tàu SE19 có ga đi từ Hà Nội đến Thanh Hóa, ga đến từ Vinh đến Đà Nẵng…
Đồng thời, từ ngày 1/8 đến hết ngày 15/8, ĐSVN cũng thực hiện giảm 8% giá vé hiện hành đối với các tàu SE17, QB1, QB3 chạy vào ngày thứ Năm hàng tuần; Tàu SE19 có ga đi từ Hà Nội đến Thanh Hóa, ga đến từ Vinh đến Đà Nẵng chạy vào ngày thứ Năm hàng tuần…
Tổng công ty ĐSVN cũng điều chỉnh giảm 13% giá vé hiện hành đối với các mác tàu SE17, QB1, QB3, SE19, SE20 trên một số cung chặng kể từ ngày 1/8 đến hết ngày 18/8 vào hầu hết các ngày trong tuần.
Đối với hành khách mua vé tập thể một số mác tàu, ĐSVN sẽ giảm từ 3%-8% đến hết ngày 12/8. Đặc biệt, từ ngày 7/7 đến ngày 12/8, tổng công ty thực hiện chương trình giảm giá kích cầu đối với các đơn vị lữ hành tham gia chương trình kích cầu du lịch năm 2018, mức giảm cao nhất lên đến 20%.
Cùng với đó, tổng công ty ĐSVN cũng thực hiện chương trình giảm giá vé cho học sinh đi thi và nhập học. Cụ thể, giảm 10% giá vé đối với học sinh đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đi thi và nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và thân nhân đi cùng.
Trước đó, đơn vị này cũng áp dụng chính sách giảm giá vé đối với các đoàn khách mua vé tập thể trong thời gian đi tàu từ 24/5 đến 12/8. Theo đó, đoàn khách từ 20 người đến 50 người, giá vé tính bằng 97% giá vé cùng thời điểm. Đoàn khách đi từ 51 người đến 100 người, giá vé tính bằng 95% giá vé cùng thời điểm. Đoàn khách đi từ 101 người trở lên, giá vé tính bằng 93% giá vé cùng thời điểm. Báo Giao Thông đưa tin.
Việc liên tiếp giảm giá tàu vào cao điểm mùa du lịch có thể coi như động thái của ngành đường sắt nhằm xoa dịu khách hàng sau hàng loạt vụ tai nạn xảy ra thời gian gần đây.
Báo Thanh Niên thông tin, từ cuối tháng 5/2018 đến nay, liên tiếp gần 10 vụ tai nạn đường sắt xảy ra đã gây ra nỗi ám ảnh cho người dân và cả lãnh đạo ngành đường sắt.
Bản thân lãnh đạo ngành cũng phải thừa nhận hệ thống hạ tầng đường sắt của nước ta hiện nay quá cũ kỹ, lạc hậu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Hơn 1.000 toa tàu “hết đát”
Đáng buồn là nhìn lại lịch sử, Việt Nam từng sở hữu hệ thống đường sắt vào loại hiện đại nhất nhì khu vực. Ngành đường sắt Việt Nam ra đời năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho dài khoảng 70 km. Những năm sau đó, mạng lưới đường sắt tiếp tục được triển khai xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam theo công nghệ đường sắt của Pháp với khổ đường ray 1 m. Thời kỳ chiến tranh, hệ thống đường sắt bị hư hại nặng nề.
Đến năm 1986, sau khi chuyển đổi cơ cấu và chuyển sang cơ chế thị trường, lãnh đạo ngành đường sắt bắt tay vào chương trình khôi phục và hiện đại hóa toàn thiết bị, hạ tầng, kỹ thuật với mục tiêu đưa đường sắt trở thành ngành vận tải hàng đầu của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và hòa nhập với các hệ thống đường sắt trong khu vực Đông Nam Á. Khi đó, đường sắt chiếm tới 30% năng lực vận tải của toàn ngành giao thông. Thế nhưng sau hơn 30 năm, đường sắt Việt Nam liên tục chứng kiến những bước lùi đều. Đến nay, loại hình giao thông này chỉ còn phục vụ 1,9% nhu cầu vận chuyển toàn quốc.
(Theo Thanh Niên)
H.Y (tổng hợp)