Bộ Y tế vừa ban hành thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Theo đó 88 dịch vụ y tế được giảm giá từ 15/7, trong đó có giá khám bệnh.
Chia sẻ về việc bộ Y tế giảm giá một số dịch vụ y tế, bà Phùng Thị Thạo (Lục Nam, Bắc Giang), bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện Việt Đức, tỏ ra khá bất ngờ trước Thông tư này của bộ Y tế. Tuy nhiên, bà Thạo cũng không giấu được niềm vui.
Bà Thạo cho hay, gia đình bà làm nông, cuộc sống rất khó khăn, mọi chi phí cứ rục rịch tăng, trong khi giá bán re của một số nông sản thì rẻ.
Bà Thạo lấy ví dụ: “Cây vải, cung vượt quá cầu nên chúng tôi bán ra thu nhập không được bao nhiêu. 4 người làm 1 buổi sáng không được 1 tạ vải, thu về chưa được 300 nghìn đồng. 1 sào dưa thu hoạch cũng chỉ tầm hơn 2 triệu đồng nhưng mấy người làm cả tháng trời, còn đi khám sơ sơ cũng 5-6 triệu đồng. Chúng tôi cũng mong muốn, bộ Y tế giảm cho chúng tôi viện phí để những người có hoàn cảnh khó khăn không quá khổ".
Bà Đoàn Thị Lan (Nam Định) – người nhà một bệnh nhân đang khám tại bệnh viện Việt Đức cũng bày tỏ, việc bộ Y tế ra Thông tư giảm giá một số dịch vụ y tế khiến bà rất phấn khởi. Bản thân bà Lan cũng mong muốn bộ Y tế sẽ hỗ trợ các bệnh nhân đi khám chữa bệnh.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cũng có những chia sẻ với PV xung quanh việc giảm giá một số dịch vụ y tế của bộ Y tế từ 15/7.
Theo ông Tuấn, việc giảm giá này cũng là nghịch lý nhưng khi bộ Y tế đã đưa ra chắc chắn có sự cân nhắc, tính toán. Tuy nhiên, đối với các bệnh viện tuyến cơ sở, thực sự sẽ khó khăn, ảnh hưởng nhiều.
“Ảnh hưởng đầu tiên là tới thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ vì đánh trực tiếp vào tiền dịch vụ. Đó là điều tôi băn khoăn nhất”, PGS.TS Tuấn nói.
Bên cạnh đó, khi giá xăng dầu, điện nước tăng… việc giảm giá một số dịch vụ y tế, bệnh viện sẽ phải tiết kiệm và cắt giảm các nguồn chi không cần thiết vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới bệnh viện.
Trước câu hỏi của PV về việc, có hay không việc giá một số dịch vụ y tế giảm sẽ kéo theo chất lượng các dịch vụ đó cũng giảm, PGS.TS Tuấn phân tích, chất lượng có ảnh hưởng hay không sẽ tùy vào từng bệnh viện.
“Có những bệnh viện duy trì được sẽ đỡ hơn còn những bệnh viện không duy trì được, cần thiết họ phải cắt giảm để cân bằng giữa nguồn thu và chi”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nói.
Về việc người dân khá phấn khởi trước thông tin bộ Y tế sẽ giảm giá nhiều dịch vụ y tế, PGS.TS Tuấn cho rằng, dân bao giờ cũng mong giảm chi không chỉ y tế mà trên tất cả các lĩnh vực. Mong muốn đó và thực tế không đi cùng nhau. Bên cạnh đó, theo lộ trình, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới có xu hướng tăng giá dịch vụ y tế theo thời gian. Còn việc kiểm soát giá của bộ Y tế cũng là cần thiết, theo xu hướng.
Theo đó, theo Thông tư bộ Y tế ban hành, một số dịch vụ y tế tăng giá, tuy nhiên, số lượng dịch vụ tăng không đáng kể, chủ yếu là giảm.
“Ngoài cân đối quỹ bảo hiểm y tế còn là muốn tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm nên đưa ra các bài toán tính toán để việc lạm dụng đó tối thiểu như khám, chụp X-quang bao nhiêu ca 1 ngày… Đó là những cái trần để hạn chế.
Khi thay đổi giá dịch vụ y tế, thủ tục hành chính cũng phải update lại toàn bộ giá mới, cũng mất thời gian và chi phí”, PGS.TS Tuấn trao đổi.
Về vấn đề được nhiều người quan tâm, liệu thời gian tới bộ Y tế có giảm giá thêm một số dịch vụ y tế, PGS.TS Tuấn cho biết, việc tăng hay giảm phải theo thực tế và đúng nghĩa, tính đúng, tính đủ.
“Hiện nay chúng ta chưa tính đúng. Về bản thân tôi, tôi rất đồng cảm với các đồng nghiệp tuyến dưới. Chúng tôi sẽ có đánh giá tác động thu chi bệnh viện để xem tác động thế nào và sẽ có chiến lược điều chỉnh vì lấy thu bù chi”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn chỉ rõ.
Đại diện bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra quan điểm trước việc bộ Y tế sẽ giảm giá một số dịch vụ y tế. Vị đại diện này cho rằng, muốn nâng cao chất lượng không thể không có tiền vì dịch vụ y tế liên quan thuốc men, vật tư y tế. Và chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi, liệu việc giảm này có ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ không?
“Nguyên tắc xây dựng giá là tính đúng, tính đủ và đưa tiền lương vào giá là nguyên tắc của Nhà nước. Tăng lương nhưng điều chỉnh giá lại không điều chỉnh tăng lên, không tính lương vào trong đó?”, vị đại diện này đặt ra câu hỏi.
Nguyễn Huệ - Việt Hoàng