UBND TP.HCM vừa chỉ đạo viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM chủ trì phối hợp các sở ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiên cứu đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, học lệch giờ, làm lệch ca, để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm. Đề án trên đang gây xôn xao dư luận. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM.
Theo đó, TS. Nguyễn Bách Phúc cho biết: “Thực sự, nếu để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chúng ta không cần thiết phải thực hiện đề án “học lệch giờ, làm lệch ca” dành cho nhóm đối tượng: Học sinh, sinh viên; cán bộ, công chức, viên chức; người lao động tại các khu công nghiệp,...
Kẹt xe vào giờ cao điểm chỉ tập trung ở các trục đường lớn từ ngoại thành vào trung tâm TP.HCM, theo "quy tắc", đầu giờ buổi sáng kẹt xe theo hướng đi vào trung tâm, cuối giờ buổi chiều theo hướng ngược lại. Điều này minh chứng rằng, kẹt xe vào giờ cao điểm chủ yếu là do những người có gia đình, nhà cửa ở ngoài TP, nhưng nơi làm việc lại ở trong TP, nên buộc phải sáng đi vào, chiều đi ra".
Cũng theo TS. Nguyễn Bách Phúc, đối với việc “học lệch ca”, học sinh, sinh viên không bao giờ là đối tượng gây nên tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm trên các trục đường lớn từ ngoại thành vào trung tâm TP.HCM. Bởi, hiện nay, học sinh được phân bổ học theo “tuyến”, nghĩa là theo đăng ký hộ khẩu. Tất cả các phường, quận đều có hệ thống trường từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT. Học sinh sinh sống ở phường, quận nào sẽ học ở các trường trên địa bàn đó.
Ngoài ra, các em học sinh hầu như không đi trên các trục đường ra vào thành phố, còn sinh viên đại học, cao đẳng thường thuê nhà trọ ở gần trường nên cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc kẹt xe trên trục đường chính từ ngoại thành vào trung tâm vào giờ cao điểm.
Một số trường đại học có thêm cơ sở ở ngoại thành, sinh viên được đưa đi đưa về bằng xe buýt, sáng rời thành phố, tối trở về, hoàn toàn ngược với "quy luật" kẹt xe vào giờ cao điểm. Vì vậy, đối tượng này không thể gây kẹt xe.
"Công nhân của các công ty, xí nghiệp thường tập trung ở các khu công nghiệp, luôn nằm ở ngoại thành nên cũng không thể gây kẹt xe. Tiếp đến là công chức, viên chức chính quyền Nhà nước, thuộc các cấp Trung ương, thành phố, quận, phường. Hầu hết các loại công chức này đều có nhà cửa gia đình trong nội thành, họ hầu như không phải sáng vào chiều ra. Vì vậy, họ không thể gây kẹt xe vào giờ cao điểm trên các trục đường lớn từ ngoại thành vào trung tâm”, TS. Phúc nêu quan điểm.
Dương Hạnh