Không tác động nhiều đến ngành ô tô
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó giảm lệ phí trước bạ với ô tô đăng ký lần 1 xuống mức chung 10% và không tăng quá 15%, lần 2 trở đi là 2% trên toàn quốc.
Cụ thể, theo Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 7/1/2013, Chính phủ quyết định không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện.
Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: Đối với ô tô đăng ký lần đầu, mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung. Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi, mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Mức phí này được đánh giá có tác động tích cực đối với thị trường xe cũ, đặc biệt góp phần kích thích người dân làm các thủ tục sang tên đổi chủ, giúp công tác quản lý của cơ quan chức năng sẽ đơn giản hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm phí trước bạ xuống 5% mới kích thích được thị trường ô tô
Đặc biệt, quyết định giảm lệ phí trước bạ ô tô được xem là thông điệp vui đầu năm với thị trường ô tô, nhất là ô tô đã qua sử dụng. Hiện nay có 4 địa phương trên cả nước có mức lệ phí trước bạ cao là Hà Nội 20%, TP.HCM và Đà Nẵng là 15%, Quảng Bình 12%, các tỉnh thành phố khác có mức thu chung 10%. Với quy định mới, Hà Nội đang có mức vượt khung 5% nên chắc chắn sẽ phải giảm và mức giảm thấp nhất 5%. Các địa phương khác có mức thu nằm trong khung quy định nên khả năng giảm không cao.
Với thị trường ô tô đã qua sử dụng, việc giảm phí trước bạ từ mức 10-12% hiện nay tùy địa phương xuống 2% trên toàn quốc chắc chắn giúp thị trường này phát triển mạnh theo hướng minh bạch hơn, Nhà nước cũng thu được nhiều phí hơn…
Nhiều người cho rằng, quyết định giảm phí trước bạ vào những ngày đầu năm mới là một tín hiệu vui. Đây là liều thuốc hữu hiệu kích thích ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, thoát khỏi tình trạng khó khăn như năm 2012. Tuy nhiên, đã có không ít người cho rằng, mức giảm xuống 10% đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi là chưa thuyết phục, trên thực tế vẫn không chia sẻ được nhiều với doanh nghiệp ô tô và với người dân. Ông Nguyễn Một, giám dốc truyền thông công ty Trường Hải ô tô cho rằng, nếu mức giảm như quy định mới thì trên thực tế các địa phương vẫn được quyền thu tối đa là 15% tiền phí trước bạ. Nếu như vậy, địa phương sẽ thu cao hơn so với mức cũ là 10 - 12%. "Tôi e ngại sự thay đổi sẽ là không đáng kể trên cả nước, trừ Hà Nội đang áp dụng mức thu lệ phí là 20%.
Hiện nay, TP.HCM và Đà Nẵng đang áp dụng mức thu 15%, nghĩa là vẫn không vượt mức quy định mới. Và, tôi tin tưởng rằng, các thành phố này sẽ không giảm xuống 10% như các tỉnh, thành khác. Vì trên thực tế lượng xe đăng ký mới ở hai thành phố này khá nhiều và nếu giảm xuống thì người dân các tỉnh lân cận sẽ đổ về hai thành phố này để đăng ký. Hà Nội chắc sẽ hạ từ 20% xuống 15%, nhưng theo nghị quyết thì phải đợi đến kỳ họp HĐND tới đây, tức khoảng tháng 3/2013 mới quyết định hạ xuống hay không. Như vậy, trong tương lai gần thì việc giảm phí như vậy không có tác động gì lớn đến thị trường xe hơi mới cũng như người đăng ký xe lần đầu", ông Nguyễn Một lập luận.
Đang có sự nhầm lẫn giữa phí và thuế?
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khi đề cập đến vấn đề giảm phí trước bạ. Theo ông Hùng, hiện nay, việc thu phí trước bạ của chúng ta đang rất bất công và bất cập. "Những bất hợp lý ngay từ tên gọi. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang nhầm lẫn khái niệm phí trước bạ. Vì ở những nước khác, phí trước bạ không thể đánh theo giá trị của chiếc xe được. Theo tôi phí trước bạ là số tiền mà người dân bỏ ra để được các cơ quan Nhà nước phục vụ, hay nói cách khác đó là số tiền để chi phí cho việc đăng ký một chiếc xe. Vì thế không thể căn cứ vào giá trị của xe để quy ra số tiền nộp được. Vì đây là một loại phí chứ không phải là thuế. Như phí đường bộ, người ta căn cứ vào trọng lượng, số chỗ ngồi của chiếc xe để đánh phí, chứ có ai đánh phí đường bộ theo giá trị xe đâu", ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
"Cho địa phương tăng không quá 50% thì tôi cho rằng chẳng nơi nào dại gì mà hạ xuống. Bởi lẽ, đây là một trong những nguồn thu ngân sách của các địa phương. Thậm chí sẽ nhiều địa phương thu kịch trần là 15%. Theo tôi Nhà nước nên quy định một mức chung thống nhất toàn quốc, bởi hiện nay đang có mức thu chênh lệch giữa các địa phương trên cả nước", ông Hùng phân tích.
Cùng chung nhận định với ông Hùng, ông Thái Văn Chung, phó tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM khẳng định, hiện nay đối với xe mua mới mà giảm ít như vậy thì không đáng là bao đối với việc cứu ngành công nghiệp ô tô. Thuế trước bạ quá cao cũng là lực cản đối với người dân trong việc mua xe ô tô.
"Phí trước bạ giống như là một loại thuế. Nó là "tiền công" của Nhà nước để đăng ký một chiếc xe, nhưng hiện nay, Nhà nước thu tiền công đó lên tới 1/5 chiếc xe là bất hợp lý. Theo tôi, để kích cầu nền công nghiệp ô tô, tạo điều kiện cho người dân mua xe, Nhà nước nên giảm phí trước bạ xuống khoảng 5% đối với xe mới và khoảng 2% đối với xe cũ là hợp lý. Trong từng điều kiện, hoàn cảnh chung của đất nước thì sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Còn trong bối cảnh hiện tại, khi ngành công nghiệp ô tô đang gặp nhiều khó khăn, người dân cũng đang phải chịu nhiều loại thuế, phí thì nên giảm hơn nữa phí trước bạ đối với ô tô", ông Chung kiến nghị.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 12/2012, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt gần 10.000 xe, tăng 4% so với tháng 11/2012 và giảm 22% so với cùng kỳ năm 2011. Tính tổng các tháng năm 2012 thì sản lượng ô tô bán ra đạt khoảng 93.000 xe, giảm sâu so với con số 138.000 xe của năm 2011. Điều này tương đương với việc ngành ô tô giảm tới 40% sản lượng so với năm 2012. Một trong những rào cản khiến thị trường xe hơi ảm đạm chính là thuế quan, các loại phí. Do đó, nhìn lại thị trường ô tô ảm đạm năm 2012 thì việc "giảm như không giảm" phí trước bạ sẽ khó có thể cho thị trường ô tô ấm lên trong năm nay.
Những bất hợp lý trong việc thu phí trước bạ đã khiến cho việc giảm phí trước bạ lần này không được đánh giá cao. Vì thế, không ngạc nhiên khi ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc Công ty Forrd Việt Nam, Chủ tịch Hiệp VAMA chia sẻ: "Năm 2012 là một trong các năm khó khăn nhất của thập kỷ đối với ngành ô tô tại Việt Nam. Các rào cản về thuế quan là một tác động quan trọng góp phần làm giảm doanh số của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời điểm này. Tính khó đoán và nhanh thay đổi của các chính sách liên quan đến ô tô không chỉ làm khó khăn cho các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang".
Trước thông tin thuế trước bạ ô tô giảm xuống còn 10%, ông Laurent Charpentier nhận định: " Đây là tín hiệu tốt cho ngành ô tô và là cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam. Tôi hi vọng thị trường này sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, dưới góc độ nhà sản xuất, tôi mong muốn mức thuế này tiếp tục giảm xuống ở mức 5%”.
Quốc Triều - Văn Chương