Ngày 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 30. Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Các vấn đề đó là: Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp: Đối với việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, Đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu. Một là tán thành quy định của dự thảo Luật nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. Hai là không tán thành quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, nếu tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.
Đối với vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Đồng thời, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực đó; thực hiện đầy đủ chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về sự đồng ý của phạm nhân ra ngoài lao động, để phù hợp với tinh thần Công ước số 29 của ILO.
Phát biểu tại phiên họp, liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đồng tình với quan điểm bổ sung quy định trong dự thảo Luật là cho phép thành lập khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân.
“Tức là hiện nay trại giam chật chội không có đất thì được thành lập khu sản xuất, điểm lao động đặt ngoài trại giam, thậm chí có thể gần hoặc xa một chút nếu địa phương đồng ý và có đất. Việc này hoàn toàn được, vẫn là trại giam quản lý nhưng phải đánh giá thêm về chi phí, ngân sách Nhà nước phải bỏ tiền ra, phải đầu tư máy móc, chế độ đất đai, quản lý tài chính, kế toán thế nào? Việc này đồng ý nhưng phải đánh giá thêm vấn đề chi phí của ngân sách Nhà nước”, ông Định nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nêu ý kiến cho rằng: “Nếu các trại giam được tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài khu vực trại sẽ giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quản lý giam giữ. Thứ nhất giảm tải cho các trại giam. Thứ hai là thông qua lao động sản xuất để cải tạo, đảm bảo sức khỏe của phạm nhân, giúp cải tạo họ thành người lương thiện, làm ra sản phẩm phục vụ cho phạm nhân và xã hội… Đây cũng là thể hiện nhân đạo, nếu chỉ giam giữ chật chội ở một nơi sẽ phát sinh nhiều vấn đề”.
Ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, chủ trương là đồng ý tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam nhưng phải quy định chặt chẽ. Nếu giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết thì vẫn phải quy định có tính nguyên tắc trong Luật.
“Ví dụ, phạm nhân nào, loại tội phạm nào, mức độ hình phạt và thời gian đã chấp hành hình phạt, thời gian còn lại là bao nhiêu… thì được ra ngoài sản xuất? Ý thức cải tạo của phạm nhân đó, độ tuổi lao động… cần đưa ra nguyên tắc để khi Chính phủ hướng dẫn thực hiện có định hướng. Phải bổ sung quy định có sự đồng ý của phạm nhân ra lao động ngoài trại giam”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội góp ý, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động thì cũng nên quy định khoảng cách để các phạm nhân lao động không gần khu dân cư. Nếu lao động gần khu dân cư một là phản cảm, hai là dễ thẩm lậu ma túy.
Thảo luận tại phiên họp cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Tư pháp, nhất trí với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam nhưng cần có các quy định chặt chẽ như về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt nào, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án... để xét đưa đi lao động ngoài trại giam; bổ sung các quy định về việc hưởng thành quả lao động, sự đồng ý của phạm nhân cũng như bảo đảm các công ước quốc tế về lao động.