Bộ Công Thương hiện đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại biên giới trong những năm gần đây đã có bước phát triển tốt, đóng góp đáng kể trong thương mại song phương của Việt Nam với các nước có chung biên giới.
Thương mại biên giới đã góp phần tích cực trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; tạo điều kiện cho cư dân biên giới, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, cư trú lâu dài tại khu vực biên giới; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý chi tiết và thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại biên giới dựa trên cơ sở các Luật, Nghị định và Điều ước quốc tế liên quan tạo động lực phát triển kinh tế vùng biên giới, kết nối các vùng sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cần thiết để phục vụ sản xuất trong nước.
Việc triển khai Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đã tạo ra sự thông thoáng trong thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, doanh nghiệp và cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới hiệu quả.
Ngoài ra, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đưa ra những cơ chế, chính sách hướng tới mục tiêu phát triển ổn định nhằm tạo môi trường thuận lợi, đa dạng trong các hình thức kinh doanh đối với thương nhân và sinh hoạt của cư dân biên giới; bên cạnh đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu, phòng ngừa gian lận trong hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền tiến hành tổng kết đánh giá việc thi hành Nghị định. Kết quả cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực, một số quy định của Nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung để: Phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình thực tế; Khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vẫn còn diễn ra khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp Lễ, Tết; Thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”.
Đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân
Mục tiêu xây dựng chính sách giải quyết các khó khăn, tồn tại từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân, không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua.
Dự thảo nêu rõ, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 theo hướng điều chỉnh phạm vi đối tượng cư dân biên giới áp dụng theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP. Cụ thể, Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP theo hướng cụ thể như sau: “Cư dân biên giới thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là Công dân Việt Nam có nơi thường trú tại xã, phường, thị trấn hoặc khu vực địa giới hành chính tương đương có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng quy định chi tiết các Bộ phối hợp, tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới để quyết định công bố danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 theo hướng điều chỉnh quy định về các giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 theo hướng điều chỉnh quy định về các giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 24 theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân, thương nhân biên giới, định kỳ ngày 10 hàng tháng cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới và cung cấp thông tin, số liệu đột xuất theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Theo dự thảo, kể từ ngày 1/1/2025, giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân.
Hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Kể từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Kể từ ngày 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.
Kể từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Tuệ Minh