Phản ứng trước lời kêu gọi “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc của Chính phủ Đức, phần lớn ngành công nghiệp lớn nhất châu Âu vẫn lưỡng lự trong việc rời bỏ thị trường lớn nhất thế giới.
Bằng chứng là đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đạt gần mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc đã tăng 34% trong năm 2022 và 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Đức – Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen – tiếp tục bán hơn 1/3 tổng số xe hơi của họ cho người Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cho rằng muốn “giảm thiểu rủi ro” thì trước hết phải hiểu rõ rủi ro nằm ở đâu, trong khi đây là điều Chính phủ Đức vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được.
Thay đổi quan điểm
Ngón tay phát sáng ở cuối cánh tay robot đang làm việc trên một dải băng bằng nhôm, hàn các lỗ ở một trong 2.000 bộ phận thang sẽ được xử lý tại dây chuyền lắp ráp do Tập đoàn Munk ở thành phố Günzburg, miền Nam nước Đức điều hành.
Những nhà máy như thế này nằm rải rác ở vùng nông thôn Bavaria, nơi đặt trụ sở của hàng trăm công ty Mittelstand – những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình tạo nên “xương sống” của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Gia đình ông Ferdinand Munk đã sản xuất những chiếc thang ở đây trong 120 năm, đủ lâu để hiểu ai là người đáng hợp tác kinh doanh.
“Chúng tôi bắt đầu kinh doanh với Trung Quốc từ 2 thập kỷ trước”, ông Munk nói. “Hồi đó Chính phủ Đức khuyến khích chúng tôi hợp tác với các công ty Trung Quốc. Họ nói với chúng tôi rằng đó sẽ là một kịch bản đôi bên cùng có lợi”.
20 năm sau, Chính phủ Đức đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Ngoại trưởng Annalena Baerbock, tại một cuộc họp chiến lược an ninh quốc gia hồi tháng 6 năm ngoái, đã đã cảnh báo: “Chính phủ Đức không có khả năng cứu trợ các công ty Đức đầu tư vào Trung Quốc”.
Lời cảnh báo này báo hiệu một chiến lược mới của Chính phủ Đức đối với Trung Quốc, gọi là “giảm thiểu rủi ro”, lặp lại thuật ngữ mới được Liên minh châu Âu (EU) sử dụng, vốn coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ có hệ thống”.
Trong bản “Chiến lược Trung Quốc” đầu tiên của mình, một tài liệu dài 40 trang được công bố hồi tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Đức khẳng định lại một lần nữa định nghĩa “giảm thiểu rủi ro”.
Tài liệu cho biết, nền kinh tế lớn nhất châu Âu muốn duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực quan trọng bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
“Trong các lĩnh vực quan trọng, Đức và EU không được trở nên phụ thuộc vào công nghệ từ các quốc gia không thuộc châu Âu và không chia sẻ các giá trị cơ bản của chúng tôi”, tài liệu nêu rõ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã nhanh chóng phản ứng, cảnh báo những người đồng cấp Đức rằng “giảm thiểu rủi ro” có thể có nghĩa là “mất cơ hội, mất hợp tác, gây bất ổn và không phát triển”.
Nhưng phần lớn ngành công nghiệp Đức vẫn lưỡng lự trong việc rời bỏ thị trường lớn nhất thế giới.
Chưa thấy lối thoát khả thi
Cách nhà máy thang của ông Munk một giờ lái xe về phía Nam, công nhân ở một tầng của một nhà máy khác đang làm việc với dây cáp thép. Nhà máy này, thuộc Tập đoàn Pfeifer, nằm ở thị trấn Memmingen có từ thời Trung cổ. Trước khi sản xuất cáp, nhà máy đã bắt đầu với dây thừng từ hàng trăm năm trước.
“Chúng tôi là một trong những công ty lâu đời nhất ở Đức, với lịch sử 440 năm”, ông Gerhard Pfeifer, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Pfeifer, cho biết.
Ông Pfeifer cho biết, công việc kinh doanh của gia đình bắt đầu từ năm 1579, khi tổ tiên của ông làm dây thừng. Sau Thế chiến II, công ty chuyển sang sản xuất cáp thép. Giờ đây, dây cáp của Pfeifer được tìm thấy ở Sân vận động SoFi ở Inglewood, California; được sử dụng để kéo thang máy lên đỉnh tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai; và ở bên trong hàng nghìn tòa nhà ở Trung Quốc, nơi Pfeifer bắt đầu công việc kinh doanh vào năm 2004.
Những chuyến thăm Trung Quốc vào đầu những năm 2000 đã thuyết phục ông Pfeifer rằng đất nước này là chìa khóa cho tương lai của công ty ông. Ông nói: “Và cho đến hôm nay, tôi tin rằng việc tránh tiếp xúc với Trung Quốc là điều không thể”.
Ông Pfeifer cho rằng Trung Quốc quá lớn để có thể bỏ qua và ông cho rằng hầu hết các chính trị gia phương Tây đều hiểu sai về quốc gia này. Theo ông, người Trung Quốc có cách tiếp cận vấn đề rất khác so với người ở nhiều nước phương Tây.
“Khi chúng ta nói chuyện làm ăn với người Trung Quốc, chúng ta cần hiểu rất rõ ràng về khía cạnh lợi ích”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông, do một số vấn đề về cơ cấu tổ chức mà Đức vẫn chưa có sự thống nhất nội bộ về lợi ích của chính đất nước mình. Và ông Pfeifer cho rằng đó là lý do tại sao các doanh nghiệp Đức phần lớn đang phớt lờ lời kêu gọi chính thức về “giảm thiểu rủi ro”.
Các con số dường như ủng hộ nhận định của ông Pfeifer: Nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc tăng 34% vào năm 2022, đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc gần mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, và 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Đức – Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen – tiếp tục bán hơn 1/3 tổng số xe hơi của họ cho người Trung Quốc.
Tại một sự kiện gần đây, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz cho biết, “giảm thiểu rủi ro” có nghĩa là không làm giảm sự hiện diện của công ty tại Trung Quốc mà ngược lại còn cần phải tăng cường nó.
“Thành thật mà nói, tôi cho rằng đối với ngành công nghiệp ô tô Đức, họ tham gia quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, tôi không thể thấy một lối thoát khả thi về mặt kinh tế cho họ”, ông Norbert Röttgen, một thành viên Quốc hội Đức và cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, cho biết.
Ông Röttgen cho biết, sự phụ thuộc trước đây của Đức vào Nga về năng lượng, hiện được nhiều người coi là một sai lầm chiến lược, chỉ là một phần nhỏ so với sự phụ thuộc của quốc gia Tây Âu này vào Trung Quốc.
“Nếu một cuộc xung đột xảy ra và chúng tôi phải rút lui hoặc sẽ chứng kiến các biện pháp trừng phạt trả đũa từ Trung Quốc chống lại Đức, thì thiệt hại sẽ rất thảm khốc và tàn khốc đối với một bộ phận ngành công nghiệp Đức”, ông Röttgen cảnh báo.
Chưa hoàn toàn nắm bắt được
Cùng thuộc liên minh cầm quyền của Đức, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả lại có cách tiếp cận với Trung Quốc khác với Ngoại trưởng Baerbock của Đảng Xanh (Greens). Ông Scholz dường như không đặt Trung Quốc vào cùng một nhóm với Nga.
Vào tháng 11/2022, ông Scholz là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Bắc Kinh trong thời kỳ đại dịch, đi cùng với một phái đoàn gồm các CEO từ các công ty lớn nhất của Đức. “Giảm thiểu rủi ro” không nằm trong chương trình nghị sự của họ.
“Có một số sự khác biệt giữa những luận điệu chính trị mà các vị thấy ở châu Âu và Đức hiện nay với những gì các doanh nhân đã và đang làm từ trước đến nay”, ông Michael Schumann, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế và Ngoại thương Liên bang Đức, cho biết. “Nếu các vị là một doanh nhân, các vị luôn phải đối mặt với rủi ro và điều mà ngày nay được gọi là giảm thiểu rủi ro”.
Ông Schumann cho rằng dù có quan điểm “diều hâu” với Trung Quốc, nhưng “khá nhiều thành viên quốc hội ở Đức có rất ít kiến thức về Trung Quốc. Họ chưa bao giờ đến đó. Tất cả những gì họ biết là những gì họ đọc được trên các phương tiện truyền thông, và tất nhiên điều đó thường gây ra sự phân cực”.
Theo đó, ông cho rằng nếu các chính trị gia ở Berlin, các cố vấn của họ và giới truyền thông Đức có nhiều hiểu biết hơn về Trung Quốc thì “cuộc thảo luận có lẽ đã không đi theo hướng này”.
Ông nói rằng các “chuyên gia” về Trung Quốc thực sự ở Đức có thể được tìm thấy trong số hàng trăm công ty Đức đang kinh doanh tại Trung Quốc hàng ngày, ví dụ như Tập đoàn Pfeifer đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Pfeifer cho biết quan điểm đằng sau việc giảm thiểu rủi ro là tốt, nhưng nó phải xuất phát từ việc hiểu rõ rủi ro nằm ở đâu, điều mà ông cho rằng Chính phủ Đức vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được.
“Nhạy cảm với Trung Quốc là hoàn toàn cần thiết, không có gì để nghi ngờ về điều đó”, ông Pfeifer nói. “Nhưng nếu việc giảm thiểu rủi ro được bắt đầu theo nghĩa ít tiếp xúc hơn, thì tôi cho rằng đây là một cách làm sai lầm, bởi vì khi đó chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội hiểu biết về Trung Quốc”.
Và dành thời gian để hiểu Trung Quốc, theo ông Pfeifer, là điều tốt nhất mà Đức có thể làm để giúp “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.
Minh Đức (Theo NPR, CNN)