Giảm thuế BVMT xăng dầu sẽ giảm thu ngân sách hơn 32.500 tỷ đồng

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 04/07/2022 19:51

Theo Bộ Tài chính, số tăng thu ngân sách từ nhập khẩu xăng dầu trong năm khoảng 9.000 tỷ, trong khi việc giảm thuế lại làm giảm thu ngân sách tới hơn 32.500 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào chiều 4/7, đặt câu hỏi với Bộ Tài chính, đại diện cơ quan báo chí cho biết có ý kiến cho rằng việc giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng vẫn là quá ít. Đâu là giải pháp kiềm chế giá xăng dầu đang không ngừng tăng hiện nay?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay trong ngày hôm nay (4/7), sau khi Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.

Cụ thể: Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

“Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết sớm nhất để có mức điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn theo thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Giảm thuế BVMT xăng dầu sẽ giảm thu ngân sách hơn 32.500 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: Phạm Đông).

Theo ước tính với mức sản lượng tiêu thụ như tính toán, nếu Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn được thông qua từ 1/8 đến hết năm nay sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy tổng thu ngân sách của Nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ giảm 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo ông Chi, cộng với việc đang triển khai 2 Nghị quyết đối với giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu năm thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 25.538 tỷ đồng. Do giá xăng dầu tăng mạnh nên thuế từ nhập khẩu xăng dầu cũng sẽ tăng, song theo ông Chi, số thu ngân sách từ việc giá dầu tăng, thu từ nhập khẩu xăng dầu khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.

“Trong khi đó riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đã làm giảm thu ngân sách hơn 32.538 tỷ đồng”, ông Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết Bộ Tài chính cũng chủ động các phương án khác nữa đối với chính sách thuế cho mặt hàng xăng dầu: Thuế nhập khẩu, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt… Bộ đang nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

“Chúng ta sẽ căn cứ vào diễn biến thực tế giá xăng dầu thế giới và Việt Nam sẽ có những động thái điều chỉnh cho phù hợp”, ông Chi nhấn mạnh.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Riêng giá xăng đã tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường được áp dụng từ ngày 1/4/2022.

Việc thực hiện giảm 50% tương ứng 1.000 - 2.000 đồng thuế bảo vệ đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4 đã góp phần giảm trực tiếp chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, từ đó góp phần giảm bớt sự tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng, qua đó đã góp phần kiềm chế lạm phát.

"Tính chung trong tháng 4, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã giúp giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3 và từ đó làm chỉ số giá tiêu dùng chung giảm 0,06 điểm phần trăm", Bộ Tài chính tính toán.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tài chính, sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất là ngày 1/7, giá xăng dầu trong nước có giảm so với kỳ điều chỉnh ngày 21/6. Cụ thể, giảm 411 đồng/lít đối với xăng E5RON92; 110 đồng/lít đối với xăng RON95; 404 đồng/lít đối với dầu diesel; 432 đồng/lít đối với dầu hỏa và 1.013 đồng/lít đối với dầu mazut. Nhưng mức giá này vẫn tăng so với kỳ điều chỉnh ngày đầu tiên của năm là ngày 11/1 và ngày 1/4 vừa qua.

Dự báo giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỉ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.