Trước những ý kiến trái chiều về việc Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế người dân đi lại nơi công cộng được nhiều người cho rằng đó là vi phạm quyền con người. Phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Báo - Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (bà cũng từng có 11 năm công tác tại Viện Nghiên cứu Con người).
Theo bà Báo phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Virus SARS-COV-2 là một loại virus nguy hiểm vì nó có khả năng lây nhiễm từ người sang người một cách nhanh chóng, lây nhiễm chủ yếu qua việc tiếp xúc gần (trong khoảng 2m) với thời gian dài, gây đột biến, viêm phổi có thể dẫn đến tử vong, đe dọa nghiêm trọng quyền sống của mỗi người.
Với bản chất ưu việt của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm túc chuẩn mực quốc tế và chuẩn quốc gia về hạn chế quyền theo quy định vì lợi ích cộng đồng, vì sức khỏe của nhân dân.
Do đó, ngày 31 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thi Số: 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm việc cách ly và dãn cách xã hội: là giữ khoảng cách giữa người với người (không tập trung quá 2 người trở lên và giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2m).
"Cách ly và giãn cách xã hội tất yếu sẽ hạn chế một số quyền con người như: quyền giao tiếp, quyền tự do đi lại, quyền hội họp hòa, quyền về việc làm, quyền tự do kinh doanh,... để bảo vệ quyền thiêng liêng cao quý, tiền đề của các quyền khác của mỗi người đó là “quyền được sống”, PGS Báo nhận định.
Ngoài ra, theo bà Báo, quyết định cách ly và giãn cách xã hội của Chính phủ Việt Nam để phòng, chống đại dịch bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền sống của mỗi người là quyết định tuân thủ đúng quy định của quốc tế và Hiến pháp Việt Nam về “hạn chế quyền”.
Luật nhân quyền quốc tế thừa nhận, quyền con người không phải là một khái niệm tuyệt đối và trong một số trường hợp cần phải được hạn chế nhằm đảm bảo trật tự xã hội. Trong khi hưởng thụ quyền, mỗi người đồng thời phải chấp nhận một số hạn chế quyền nhằm tôn trọng quyền, lợi ích của cộng đồng và của người khác.
Khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 (UDHR) quy định: “Mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cho cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 ghi nhận tại Khoản 1 Điều 4 “Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của Quốc gia và đã được chính thức công bố, các Quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này..”
"Nguyên tắc hạn chế quyền cũng được ghi nhận tại các Công ước quốc tế về quyền con người khác. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”. Mọi người có quyền sống” (Điều 19). Nguyên tắc hạn chế quyền đã được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Thú y năm 2015, Luật Trưng mua, trựng dụng tài sản năm 2008… và các văn bản hướng dẫn thi hành", bà Báo nếu quan điểm.
Đại dịch Covid-19 xảy ra là trong tình trạng khẩn cấp, lây lan trên diện rộng vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân trên phạm vi cả nước. Việt Nam, nằm ngay cạnh tâm điểm bùng phát dịch (Trung Quốc), đặt ra yêu cầu cấp thiết là Đảng và Nhà nước phải có quyết sách chính trị để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời thảm họa của đại dịch này.
Vì vậy, việc áp dụng một số biện pháp ứng phó như giãn cách và cách ly xã hội theo Chỉ thi Số: 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, là biện pháp đặc biệt có ý nghĩa từ góc độ quyền con người, bởi giãn cách xã hội tuy có hạn chế một số quyền con người nhưng vì mục đích bảo vệ quyền sống còn của mỗi người theo đúng chuẩn mực quốc tế và chuẩn mực quốc gia về hạn chế quyền theo luật định. Điều này phủ định nhận thức lệch lạc, sai trái về quyền con người khi cho rằng thực hiện giãn cách xã hội là vi phạm quyền con người.