Ác mộng của dân chung cư
Sinh sống tại một khu chung cư mới trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Thúy Nga không khỏi phiền hà khi 2 tháng gần đây căn hộ nhà chị xuất hiện nhiều con gián nhỏ, chạy khắp nhà.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nga cho biết: “Lên chung cư tưởng sạch sẽ không có côn trùng, nhưng sau mấy tháng về đây thì bây giờ đầy các loại gián bé, chỉ to hơn con ruồi. Cứ đêm đến, tắt điện là chúng “tung hoành” khắp tủ bếp, bát đũa, nồi cơm, thùng gạo…”.
Cùng chung vấn đề với chị Nga, chị Hồng Nhung - chủ sở hữu một căn chung cư tại Q.Cầu Giấy, bức xúc: “Nhà tôi dạo này thấy xuất hiện rất nhiều gián có kích cỡ nhỏ, cánh mỏng, không bay nhưng chạy rất nhanh; không phải loài gián từ trước đến giờ vẫn nhìn thấy. Điều lạ là loại gián này rất sợ ánh sáng; chỉ khi tắt điện vào ban đêm chúng mới bò lên chậu rửa, thức ăn thừa để trên bàn... Nhà tôi mua 3 gói diệt gián của Nhật về đặt mà không ăn thua. Tôi đã dùng bình thuốc xịt nhiều lần nhưng gián không chết...”
Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở Hà Nội mà còn gây nhức nhối ở TP.HCM.
Anh Nguyễn Trung Lương, cư dân tại một chung cư cao cấp tại quận 1 cho biết, loại gián nhỏ này không sợ người, nó thậm chí còn bò lên đùi, thức ăn khi gia đình đang ăn cơm. Anh đã 2 lần thuê đội xịt thuốc muỗi nhưng chỉ hiệu quả được vài tuần.
Xuất xứ từ phương Tây
Trả lời VnExpress, anh Đinh Hoàng Thắng, giám đốc một công ty diệt côn trùng quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết loài gián mà các gia đình trên nhắc đến là loài ngoại lai có xuất xứ từ châu Âu. “Cách đây khoảng 2 năm, loài gián này đã xuất hiện nhưng không nhiều như bây giờ. Hiện tại mỗi ngày có đến 20 trường hợp gọi điện đến chúng tôi, nhờ tư vấn và thuê người diệt trong nhà. Đây chính là loài gián Đức rất khó để tiêu diệt", anh Thắng nói.
Theo anh Thắng, trứng và ấu trùng gián Đức xuất hiện nhiều trong những thùng hàng được người dân mua về từ châu Âu. Loài này ưa di chuyển lên cao, nên các tòa nhà cao tầng là nơi chúng xuất hiện nhiều. Các khu chung cư mới trên địa bàn quận Hà Đông, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy (Hà Nội)... từng nhiều lần gọi đến dịch vụ diệt gián của anh, nhà riêng lẻ thì hiếm. Chi nhánh công ty của anh tại TP.HCM cũng nhận không ít đơn hàng diệt loài gián này.
Kháng thuốc, khó tiêu diệt
Một trong những điều đáng lo ngại là loài gián này có khả năng kháng thuốc, rất khó tiêu diệt bằng các cách thông thường.
Th.S Nguyễn Thị My, Phó phòng Thí nghiệm sinh hóa và diệt trừ mối (Viện Sinh thái bảo vệ công trình), cho hay: “Gián Đức là loài côn trùng thuộc họ gián Blattellidae, vào Việt Nam theo đường hàng không hoặc tàu biển; ngay cả ở nước ngoài cũng rất khó diệt. Do ở chung cư có các đường ống thoát nước, nhà vệ sinh và chậu rửa trong bếp nên khi đặt thuốc, gián theo đường ống bò sang nhà khác. Một thời gian sau, thuốc hết tác dụng, gián lại quay về. Còn các loại thuốc xịt đang bán trên thị trường, dùng lần đầu hiệu quả, nhưng dùng nhiều lần gián sẽ kháng thuốc. Vì vậy, không thể dùng các loại thuốc thông thường để diệt, mà phải kết hợp giữ vệ sinh với biện pháp khác”.
Theo bà My, loài gián này tụ tập thành đàn và có mùi hôi rất khó chịu. Trên đường đi tìm thức ăn, chúng bò từ đường ống thoát nước, nước thải vào đồ ăn, nguồn nước, vô tình là trung gian truyền bệnh và phát tán bệnh cho con người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong phân gián có chứa các vi khuẩn gây bệnh đường ruột, viêm gan, rối loạn hô hấp.
Cách phòng chống và tiêu diệt
Để khắc chế sự sinh sôi của gián Đức, người dân phải sửa nguồn nước rò rỉ trong nhà, trét kín các lỗ nhỏ, vết nứt, khe hở dọc tường và chân tường. Xoong nồi, bát đĩa nên úp ngược để gián không đẻ trứng. Không để thức ăn trên mặt bàn, thu dọn rác thường xuyên, dùng thùng rác có nắp.
Để tiêu diệt gián, có thể dùng thuốc diệt gián trộn lẫn với thực phẩm mà gián ưa thích (bột bánh, dầu ăn, đường...) đặt gần tổ của chúng. Ngoài ra, có thể sử dụng chất đuổi gián tự nhiên như tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi... Hoặc thuê một đội diệt côn trùng chuyên nghiệp trên phạm vi toàn chung cư để có kết quả triệt để nhất.
Bá Di (Tổng hợp)