Những ngày gần đây, dư luận đang rất nóng trước việc gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Giang. Trước việc này, một nhà giáo ở TP.Hải Phòng đã có tâm thư gửi Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Ngày 20/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhà giáo Trần Văn Độ, hiện đang sinh sống tại TP.Hải Phòng cho biết, ông vừa có tâm thư gửi đến Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Nội dung bức thư là những ý kiến đóng góp của nhà giáo Độ dựa trên kinh nghiệm gần 40 năm công tác trong ngành Giáo dục.
Nhà giáo Trần Văn Độ, xuất phát điểm là một giáo viên, từng là Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, chức vụ cuối cùng ông đảm nhận là Chánh Thanh tra sở GD&ĐT Hải Phòng. Đầu tháng 6/2018, ông nghỉ hưu. Báo Người Đưa Tin trân trọng đăng nguyên văn bức tâm thư của nhà giáo Độ gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
“Kính gửi Bộ trưởng!
Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng đánh giá: "Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ, tôi thấy cơ bản thành công”.
Vâng! Kính thưa Bộ trưởng!
Sự việc Hà Giang chính là tảng băng ngầm và đó là khoảng lặng kinh khủng trong kỳ thi mà Bộ trưởng cho là khách quan và thành công?
Nhưng điều đặc biệt là, trong suốt thời gian qua, với một sự kiện không thể nào xấu hổ hơn của ngành Giáo dục xảy ra ở Hà Giang mà tuyệt nhiên không có một đồng chí lãnh đạo sở GD&ĐT nào trên toàn quốc bày tỏ quan điểm, đây mới là khoảng lặng và tảng băng chìm đáng sợ.
Sự im lặng đến nghẹt thở này phải chăng là sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu khi kỳ thi được tổ chức ở địa phương. Liệu có phải ở hầu hết các địa phương không ít thì nhiều đều có hiện tượng này? Bộ trưởng có thấu hiểu điều này không?
Để xảy ra sự việc ở Hà Giang theo tôi có một số nguyên nhân sau:
1, Đối với bộ GD&ĐT:
- Tổ chức kỳ thi "2 trong 1".
- Giao cho địa phương tổ chức mà không tráo đổi lãnh đạo Hội đồng thi, đặc biệt lãnh đạo ban Chấm thi.
- Quy trình chấm trắc nghiệm chặt nhưng thực hiện lại không chặt rất dễ thỏa thuận thông đồng, việc kiểm tra file ảnh gốc của cục Quản lý chất lượng với kết quả chấm của các địa phương chưa được coi trọng nên các địa phương mới làm liều như ở Hà Giang.
Sự việc ở Hà Giang, cục Quản lý chất lượng không cần về Hà Giang, chỉ cần lấy file ảnh gốc mà Hà Giang gửi bộ là có thể so sánh được! Theo tôi, nếu còn làm thi theo kiểu này, mỗi năm cục Quản lý chất lượng nên chấm lại ít nhất 25% số địa phương và công bố kết quả công khai!
2, Đối với địa phương:
Lãnh đạo gửi gắm con, cháu cho lãnh đạo sở GD&ĐT (hoặc không thì lãnh đạo sở GD&ĐT tự thấy trách nhiệm của mình mà phải làm).
Quy trình này diễn ra như sau: Lãnh đạo sở GD&ĐT gửi gắm cho lãnh đạo Hội đồng thi. Tiếp đó, lãnh đạo Hội đồng thi chỉ đạo cho cán bộ làm thi (như đồng chí Vũ Trọng Lương).
Sự việc ở Hà Giang diễn ra là như vậy và tôi tin rằng không chỉ có năm nay mà cả các năm trước đó. Và Hà Giang cũng không phải là địa phương duy nhất!
3, Thanh tra, công an và lãnh đạo Hội đồng thi: Không làm hết trách nhiệm hoặc không hiểu hết quy trình hoặc có sự thông đồng?
4, Cán bộ làm thi: Làm thay đổi kết quả thi cho con lãnh đạo địa phương hoặc lãnh đạo ngành theo chỉ đạo, nhân thể làm cho con em mình, con em đồng nghiệp và "làm tiền" (vì một trường hợp đỗ vào đại học không phải ít tiền).
Nhân việc này, Bộ trưởng chỉ đạo cho chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm trong toàn quốc từ file ảnh gốc và công bố công khai kết quả để đánh giá trung thực kỳ thi. Nếu không được vậy, Bộ trưởng kêu gọi địa phương nào xung phong để bộ GD&ĐT chấm lại? Con số này liệu có đếm trên đầu ngón tay?
Hoặc theo ý kiến của anh Lê Thống Nhất, gửi file ảnh gốc cho các trường đại học kiểm tra khi tuyển sinh. Cuối cùng, anh Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc sở GD&ĐT Hà Giang chính là người đáng xấu hổ, nhưng mặt khác cũng là người để bộ GD&ĐT điều chỉnh các quyết định quản lý về kỳ thi nói riêng và các vấn đề khác của ngành nói chung.
Trân trọng kính chào Bộ trưởng và mong nhận được hồi âm!”