Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình đang được dư luận xã hội đặc biệt chú ý vì phía bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có nhận định các vi phạm ở tỉnh này là "nghiêm trọng, tinh vi và xảo quyệt".
Trước đó, ngày 21-22/7, Hội đồng chấm thẩm định của bộ GD&ĐT về Hòa Bình kiểm tra về nghi vấn điểm cao bất thường. Ngày 23/7, kết quả cho thấy 100% những bài đã chấm thẩm định đều giống như kết quả của ngày 11/7, điểm thi như vậy là bình thường.
Tuy nhiên, chiều 3/8, Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố 2 cán bộ thuộc sở GD&ĐT về tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, tức là có vi phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến tình huống pháp lý trường hợp này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: “Khi những sự việc có dấu hiệu vi phạm trong một lĩnh vực nhất định thì về nguyên tắc, cán bộ chấm thẩm định của lĩnh vực đó sẽ vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu quá trình chấm thẩm định, xác định có sai phạm thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà những sai phạm đó có thể bị kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)".
Trong trường hợp, quá trình chấm thẩm định không phát hiện sai phạm, tuy nhiên cơ quan điều tra (CQĐT) lại nắm bắt được thông tin, nguồn tin vi phạm từ các nguồn khác thì CQĐT vẫn có thể vào cuộc để xác minh dấu hiệu hình sự.
"Đối với vụ việc vi phạm của một số cá nhân trong kỳ thi THPT tại Hòa Bình, có thể thuộc trường hợp hội đồng chấm thẩm định không phát hiện ra nhưng qua thông tin, nguồn tin khác mà CQĐT có căn cứ để vào cuộc xác minh làm rõ, có dấu hiệu thì vẫn xử lý theo quy định pháp luật", vị luật sư nói.
Luật sư Cường cho hay, luật Tố tụng Hình sự và các văn bản pháp luật khác đều có quy định nghĩa vụ đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng, trong đó có hội đồng chấm thẩm định.
"Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ chấm thẩm định bao che, dung túng cho những sai phạm, vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng không đưa ra cơ quan công an thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này sẽ bị xử lý theo pháp luật bằng các hình thức như kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính thậm chí có thể bị truy cứu TNHS.
Nhưng nếu do vấn đề nghiệp vụ, trình độ, năng lực có hạn mà hội đồng chấm thẩm định, cán bộ chấm thẩm định không phát hiện ra sai phạm, sau đó CQĐT phát hiện được thì chỉ bị xử lý, xem xét về năng lực cán bộ.
Chính vì vậy trong vụ việc gian lận điểm thi tại Hòa Bình, cơ quan công an cần sớm làm rõ có dấu hiệu bao che, dung túng, bỏ lọt tội phạm của hội đồng chấm thẩm định hay không, nếu có thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Còn nếu những sai phạm rất tinh vi, với năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ hội đồng chấm thẩm định hiện hành không thể phát hiện được thì cũng cần xem xét về vấn đề nhân sự của cơ quan này, đồng thời phải bổ sung nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để cán bộ thuộc lĩnh vực này có thể hoàn thành nhiệm vụ", luật sư Cường nói thêm.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan điều tra, những sai phạm của Hòa Bình rất tinh vi, vì vậy, vị luật sư nhấn mạnh cần làm rõ về thủ đoạn, hành vi và mục đích của các đối tượng vi phạm để có thể áp dụng các tội danh và mức hình phạt tương xứng.
Cũng giống như gian lận trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La, vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình cần có thời gian tiếp tục điều tra để làm rõ những vi phạm có tính "nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt của từng cá nhân" và có các hình thức xử lý, kể cả với các cán bộ của hội đồng chấm thẩm định thuộc bộ GD&ĐT.