Liên quan vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng khảo thí và quản lý giáo dục, sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; khởi tố bị can, bắt tạm giam Lò Thị Trường (SN 1976, trú tại TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) về tội Đưa hối lộ.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, bà Lò Thị Trường (phụ huynh có con được nâng điểm) khai, kỳ thi THPT Quốc gia 2018, bà có đến nhà bị cáo Huynh “nhờ xem điểm trước cho con sau khi thi".
Bị cáo Huynh xác nhận lời khai của bà Trường là đúng. Ông Huynh khai thêm, sau kỳ thi, bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại. Bà Trường cũng thừa nhận điều này.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có mặt tại phiên tòa lại phủ nhận việc nhờ nâng điểm mà chỉ thừa nhận “nhờ xem điểm”.
Tuy nhiên, các bị cáo lại khai, khi có kết quả điểm thi (được sửa nâng lên nhiều điểm) thì phụ huynh đã cảm ơn bị cáo hàng trăm triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc các phụ huynh khai chỉ “nhờ xem điểm” là hết sức vô lý. Điều này cần phải làm rõ ràng và xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục chung.
Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để ghi nhận quan điểm.
Thưa Đại biểu, liên quan vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, sau khi tòa trả hồ sơ, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ. Ông đánh giá như thế nào về động thái tố tụng này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đây là vụ án trọng điểm, có ảnh hưởng lớn tới dư luận xã hội, nhiều người quan tâm, vì vậy cần sớm được làm rõ để trả lời trước công luận.
Nhất là đối với người dân có con em học hành và thi cử tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, họ cũng muốn cơ quan chức năng làm rõ vụ án để trả lại sự công bằng cho các thí sinh có điểm thực lực.
Tuy nhiên, khi xử lý thì đều phải tuân thủ theo pháp luật. Phải có đầy đủ chứng cứ thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân liên quan.
Tôi cho rằng, với việc khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, cho thấy, cơ quan tố tụng đã quyết tâm truy tới cùng những cá nhân phạm tội trong việc gian dối điểm thi.
Điều này cũng đã thực hiện đúng chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, khi phát hiện sự việc sai phạm xảy ra thì phải làm rõ, kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên; hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự không có vùng cấm, bất cứ người đó là ai, giữ chức vụ gì thì cũng phải truy đến cùng.
Tại các phiên tòa mới đây ở Sơn La và Hà Giang, nhiều phụ huynh chỉ thừa nhận “nhờ xem điểm cho con” hoặc “nhờ giúp”. Tuy nhiên, các bị cáo lại khai, khi có kết quả điểm thi thì phụ huynh đã “cảm ơn” bị cáo hàng trăm triệu đồng. Vậy theo ông, lời khai chỉ “nhờ xem điểm” hoặc “nhờ giúp, không liên quan đến tiền nong” thì có hợp lý hay không?
Chuyện chỉ “nhờ sửa giúp điểm thi” là rất khó xảy ra. Chỉ có những người anh em ruột thịt hoặc quan hệ thân thích lắm thì mới có thể “nhờ vô tư”, không liên quan tới tiền nong.
Còn nói “tự dưng” mà những người có thẩm quyền liên quan lại đi nâng cả chục điểm, thậm chí hai mươi mấy điểm cho thí sinh là không hợp lý. Trừ trường hợp rất thân thích như tôi vừa nói ở trên thì còn có 2 khả năng sẽ xảy ra.
Thứ nhất, người “nhờ” có chức vụ quyền lực rất cao, khi nhờ cấp dưới thì họ ngại cho nên mới thực hiện yêu cầu của người “nhờ”, lấy tình cảm để được việc sau này.
Thứ hai là “bằng tiền”. Chứ không thể chỉ quen biết bình thường mà lại đi sửa “giúp” nhiều điểm cho thí sinh.
Trước phiên tòa ở Sơn La vừa qua, các bị cáo khai, có nhận tiền từ những người “nhờ”. Trong khi hầu hết người “nhờ” lại phủ nhận việc đưa tiền… Tôi cho rằng, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ từng vấn đề cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có lời khai gian dối.
Tất nhiên, việc chứng minh này không hề dễ dàng, người thừa nhận, người không, không có nhân chứng hoặc thiếu ghi âm, ghi hình là rất khó để làm rõ. Vì vậy, cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc hết sức quyết liệt, công tâm, đúng quy định, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân phạm tội. Còn nếu như trường hợp nào không đủ căn cứ buộc tội thì cũng phải trả lời trước công luận cho rõ.
Giả sử sau này cơ quan điều tra chứng minh được những người “nhờ xem điểm” hoặc “nhờ sửa điểm” có đưa tiền “cảm ơn” cho các đối tượng can thiệp sửa điểm thi thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa Đại biểu?
Đó là hành vi đưa hối lộ. Trong vụ án ở Sơn La, hiện nay mới có một phụ huynh bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Tôi tin rằng, cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục làm rõ các trường hợp khác có liên quan.
Trân trọng cảm ơn ông!