Báo điện tử Người Đưa Tin tiếp tục thông tin về việc “gian lận phí” tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc trên QL21B, tỉnh Nam Định (do công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định, đoạn từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo hình thức BOT), dưới hình thức nhân viên trạm không trả lại vé cho tài xế để bỏ túi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Th.s Vũ Đình Hiền – Phó trưởng bộ môn Đường bộ, trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: “Nguồn thu tại các trạm thu phí BOT thể hiện rõ ở việc bán vé tháng và vé hàng ngày cho tài xế, mỗi lần tài xế các phương tiện đi qua sẽ phải đưa tiền cho nhân viên thu phí, sau đó nhân viên xé vé và quẹt mã số trên thẻ vào hệ thống máy tính để barie mở cho các phương tiện đi qua, số tiền thể hiện trên vé sẽ được nhập vào hệ thống máy tính để tổng hợp nguồn thu hàng ngày”.
Nói về việc nhân viên trạm thu phí Mỹ Lộc – Nam Định không trả lại vé cho tài xế, Th.s Hiền cho hay: “Hành vi của nhân viên trạm thu phí không xé vé trả cho tài xế có nghĩa là số tiền, kinh phí không được nhập vào hệ thống quản lý gây “thất thoát phí”. Trong hệ thống BOT, người ta lấy tài chính thu được từ tiền của người tham gia giao thông để bù đắp lại chi phí đầu tư của họ và liên quan tới thời hạn chủ đầu tư được phép thu phí, lượng thu phí lớn đồng nghĩa thời gian thu phí giảm”.
“Nhân viên không đưa vé cho tài xế, họ sẽ có lợi cả hai mặt, thứ nhất là có thu nhập bên ngoài, thứ hai là kéo dài được thời gian thu phí. Việc thu phí này có thể là do nhân viên tự làm hoặc do chủ đầu tư chỉ đạo. Cụ thể ra sao thì cần phải có các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ”, Th.s Hiền chia sẻ thêm.
Trước đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Phạm Thế Minh cho rằng: “Để xử lý những tình trạng này không khó, có hai phương án đó là: lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động của các nhân viên hoặc thu phí tự động; tức là không cần nhân viên thu phí mà đếm qua máy, nhân viên trực máy để sót hoặc lấy tiền thì có thể xử lý được ngay.
Bởi mục đích của gian lận vé là “ăn” vào tiền của nhân dân làm thất thu ngân sách Nhà nước, làm cho “bức tranh” giao thông bị méo mó đi, thời gian thu phí sẽ bị tăng lên làm cho công tác quy hoạch sai lệch đi”.
Ông Minh cho rằng: “Cơ quan quản lý nên kết hợp cùng với cơ quan công an để bắt giữ xử lý những đối tượng này”.
Đề cập tới những vấn đề tiêu cực làm thất thoát phí ở các trạm thu phí, ông Minh nhận định: “Việc gian lận thu phí này có thể là do nhân viên thu vé tự ý làm và cũng có thể đây là hoạt động quy mô rất lớn, có hệ thống dưới sự bảo kê của một thế lực nào đó đứng đằng sau và “lợi ích nhóm” chia nhau. Cũng có thể đây là phương án của chủ đầu tư để báo cáo tài chính bị “thất thu” nhằm được phép kéo dài thời gian thu phí trên tuyến đường này”.
Thế Anh
Xem thêm
Chấn động:Gian lận phí ở trạm Mỹ Lộc, nhân viên bỏ túi hàng chục tỷ?
Nhân viên trạm BOT Mỹ Lộc – Nam Định ‘nuốt vé' công khai
Trạm BOT Mỹ Lộc – Nam Định 'gian lận': Kêu lỗ để tăng phí?
‘Gian lận phí’ BOT Mỹ Lộc - Nam Định: Có ‘lợi ích nhóm'?
Yêu cầu UBND tỉnh Nam Định làm rõ 'gian lận phí' ở trạm BOT Mỹ Lộc