Như đã thông tin, sau một thời gian dài, âm thầm theo dõi các hoạt động ở khu vực trạm thu phí BOT Mỹ Lộc trên QL21B, tỉnh Nam Định (do công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định, đoạn từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo hình thức BOT), PV báo Người Đưa Tin đã phát hiện ra một bí mật "động trời" về tình trạng gian lận vé thu phí để bỏ túi hàng chục tỷ đồng mỗi năm như được lập trình sẵn của những nhân viên thu phí, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho biết: “Có thể nói, hình thức đầu tư hạ tầng giao thông dưới hình thức BOT là giải pháp có cả hai mặt: Mặt tích cực ai cũng có thể thấy là thu hút được nguồn vốn đầu tư để cải thiện hạ tầng cơ sở giao thông; tuy nhiên, đây cũng là lỗ hổng rất dễ gây thất thoát, có “lợi ích nhóm” rất rõ ràng, lợi ích của nhà đầu tư và sự "móc ngoặc" của nhà đầu tư với nhà quản lý.
Từ việc không tuân thủ những quy định của pháp luật như là khoảng cách đặt các trạm thu phí giữa hai điểm thu phí cho đến việc giá cả không được công khai, tất cả đều trong tình trạng “tù mù” mà không ai giám sát được. Dự án nào Nhà nước trực tiếp giám sát thì phát hiện ra ngay tiêu cực. Nếu chúng ta cứ để như này thì tình trạng gian lận sẽ còn kéo dài”.
“Đối với hành vi không trả vé cho tài xế, có thể coi đây là hành vi ăn cắp, tham ô ngân sách Nhà nước, bởi số tiền này cũng thể hiện trong khoản thu của Nhà nước, rõ ràng đây là hành vi phạm pháp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước”, ĐBQH Quốc cho biết.
ĐBQH Quốc nhấn mạnh: “Tôi được biết, trước đây báo Người Đưa Tin cũng đã từng phát hiện ra tình trạng gian lận phí trên QL5 bằng hình thức nhân viên không trả vé, sau đó chủ đầu tư đã xử lý một nhóm nhân viên có hành vi gian lận. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhanh chóng để làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh, đồng thời cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể làm thất thoát phí”.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Đối với việc nhân viên thu phí công khai không trả vé để “giận lận phí”, tài xế có thể kiện. Đây có thể là chủ trương không phải của mỗi nhân viên ăn cắp mà là chính chủ đầu tư xui nhân viên làm chuyện đó một cách có tổ chức nhằm làm giảm số tài chính được kiểm soát bằng máy để tăng thời gian thu phí.
Với việc nhân viên không trả vé, người dân có thể nghi ngờ đây là “lợi ích nhóm” có hệ thống. Hiện nay, Quốc hội và bộ Công an có tham gia giám sát hoạt động thu phí BOT thế nhưng chỉ giám sát từng đợt, còn việc thu phí kéo dài hàng năm mà người dân không được biết rõ, chỉ có chủ đầu tư và cơ quan quản lý biết với nhau thôi”.
ĐBQH Quốc đưa ra quan điểm: “Theo tôi, tất cả đều phải tuân thủ pháp luật, chúng ta cần phải minh bạch hóa công khai. Để chống thất thoát, mỗi trạm thu phí đều nên có một bảng điện tử trên đó ghi rõ là đầu tư bao nhiêu, bắt đầu khai thác từ ngày nào, sau đó làm dãy số tiến lùi đến bao giờ thì hết, hàng ngày thu được bao nhiêu thì trừ luôn ngày đó để hiện trên bảng điện tử cho người dân giám sát.
Người dân có thể phát hiện ra tiêu cực, lượng xe rất đông nhưng lại thể hiện số tiền rất ít, dưới sự giám sát này cơ quan chức năng có thể vào cuộc. Tôi cho rằng, giám sát công khai như thế thì chủ đầu tư hay nhân viên thu phí không thể gian lận một cách “trắng trợn” được. Việc đưa thông tin lên bảng điện tử là chuyện đơn giản đối với công nghệ hiện nay”.
“Con số mà chúng ta không được giám sát chính là lỗ hổng để cho nhà đầu tư có thể đục khoét vào đó để gian lận, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, đây là chỗ dễ móc ngoặc nhất, dễ thông đồng nhất”, ĐBQH Quốc nhấn mạnh.
Thế Anh
Xem thêm
Chấn động:Gian lận phí ở trạm Mỹ Lộc, nhân viên bỏ túi hàng chục tỷ?