Đen: Đố ông, phải làm gì để kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm?
Đá: Chơi chứng khoán, kinh doanh bất động sản…?
Đen: Có một cách dễ hơn nhiều.
Đá: Bán siêu sim?
Đen: Ít người được như Ngọc Trinh lắm!
Đá: Vậy thì chỉ còn cách mua xổ số Vietlott thôi.
Đen: Nhầm rồi. Hãy nộp đơn xin làm nhân viên thu phí ở trạm BOT Mỹ Lộc trên QL21B ngay hôm nay. Ông sẽ được trao cơ hội "đổi đời".
Đá: Lương hàng tháng của nhân viên thu phí chỉ khoảng dăm, ba triệu. Đào đâu ra tiền tỷ mỗi năm?
Đen: Ai tính lương. Cứ “chăm chỉ” thu tiền nhưng không xé vé cho tài xế thì thiếu gì tiền đút túi.
Đá: Làm vậy khác nào ăn cắp của công!
Đen: Quan sát số lượng xe qua trạm thu phí BOT Mỹ Lộc, cánh lái xe nhẩm tính con số thất thoát có thể lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đá: Đúng là gan to băng trời. Lẽ nào chủ đầu tư không kiểm soát được nhân viên?
Đen: Không rõ. Hoạt động gian lận vé thu phí tại đây diễn ra rất công khai, bất kể ngày đêm.
Đá: Lạ thật. Thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão, nhà đầu tư có rất nhiều lựa chọn trong việc giám sát nhân viên thu phí kia mà.
Đen: Điều đáng buồn hơn cả, dù tình trạng này diễn ra công khai từ lâu, nhưng chưa bị cơ quan quản lý nào phát hiện và xử lý.
Đá: Những trường hợp gian lận trong thu phí BOT từng được báo Người đưa tin phát hiện, phản ánh liệu đã thay đổi hay “đâu lại hoàn đấy”?
Đen: Tôi chưa tìm hiểu. Nhưng có một điều chắc chắn: Sự thể khắc thay đổi khi các trạm BOT trên cả nước lắp đặt xong làn thu phí tự động ETC.
Đá: Nghe đâu, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần ra “tối hậu thư” nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án trạm thu phí không dừng.
Đen: Đáng tiếc, đến nay dự án vẫn chậm hơn một năm so với kế hoạch.
Đá: Việc lắp đặt ETC giúp minh bạch hóa doanh thu phí. Phải chăng các nhà đầu tư BOT trì hoãn triển khai dự án vì lý do này?
Họ không chịu hợp tác thì đến bao giờ mới dẹp được những mánh khóe gian lận ở các trạm BOT?
Đen: Trước mắt đành phải trông chờ vào ý thức đạo đức của nhân viên thu phí.
Đá: Vậy mới nói, lỗ hổng lớn nhất trong đầu tư và khai thác các dự án chính là con người.
Đ.Đ