Đã từng là “vua” ngành gỗ
Thành lập vào năm 1993, tiền thân là xí nghiệp tư doanh chế biến gỗ xuất khẩu Trường Thành tại Đắk Lắk, gỗ Trường Thành đã nhanh chóng đặt chân trong danh sách những doanh nghiệp sản xuất gỗ hiếm hoi của Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh của công ty đến vào năm 2006.
Thời điểm đó, nhờ được tài trợ vốn từ các ngân hàng thương mại gấp đôi so với năm 2005, công ty nhận thêm nhiều đơn hàng mới, đẩy mạnh hoạt động thiết kế để gia tăng giá trị sản phẩm, kéo theo lợi nhuận và doanh thu đem lại thời gian đó tăng gấp 3 cùng kỳ. Vào thời điểm hoàng kim đó, mục tiêu của Gỗ Trường Thành không chỉ đứng Top đầu trong nước mà muốn vươn đến Top 5 của khu vực ASEAN vào năm 2014, đồng thời là Top 3 doanh nghiệp tư nhân có diện tích rừng trồng lớn nhất ASEAN vào năm 2017.
Thế nhưng, con đường trải thảm đỏ dường như vụt tắt và biến cố đã xảy ra trên con đường mà Hội đồng quản trị công ty vạch sẵn. Do sử dụng vốn vay khá lớn trong giai đoạn phát triển trước nên khi lãi vay tăng cao đã "ngốn" hết lợi nhuận. Từ mức lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng của năm 2010 đã giảm chỉ còn hơn 11 tỷ đồng vào năm 2011 và lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng năm 2012.
Dù vậy, điểm sáng cũng lóe lên, đến năm 2014 và 2015, công ty chính thức vượt qua giai đoạn này. Con số lợi nhuận sau thuế 2 năm lần lượt là 67 tỷ và 205 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng 2007 - 2010 trước đây.
Đến chênh vênh bên “bờ vực”
Không như mong đợi, ngay sau đó khó khăn lại tiếp tục ập đến với khoản lỗ đột biến hơn nghìn tỷ trong quý II năm 2016 mà nguyên nhân đến từ việc phải trích lập dự phòng cho khoảng 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu sau khi kiểm kê. Theo tìm hiểu của PV, vụ scandal sai lệch số liệu về hàng tồn kho và phải thu tại Báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đến nay vẫn chưa hết dư chấn trên thị trường chứng khoán.
Trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm 2016 của TTF đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng. Con số này được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán của công ty Kiểm toán EY 6 tháng đầu năm 2016 tại TTF.
Phát hiện này dẫn đến việc EY phải điều chỉnh thẳng vào chi phí giá vốn quý 2/2016 của TTF khiến giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Do đó, TTF lỗ gộp tới 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng.
Ngay sau đó, cổ phiếu TTF của tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã đứng trước nguy cơ phải hủy niêm yết bắt buộc do lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc về công ty mẹ 1,3 tỷ đồng. LNST chưa phân phối đến 30/6/2017 trên BCTC soát xét bán niên là - 1.462 tỷ đồng, chiếm 98% vốn điều lệ. Trước đó, cổ phiếu TTF cũng đã bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 24/4/2017 do LNST chưa phân phối đến cuối năm 2016 là -1.417 tỷ đồng và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ -1.271 tỷ đồng.
Với hàng loạt biến cố xảy ra, thị giá cổ phiếu TTF cũng đã lao dốc từ mức hơn 40.000 đồng xuống hiện chỉ còn 7.800 đồng chỉ trong vỏn vẹn vài tháng giao dịch. Việc để cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát từ cuối và sau đó đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trong lúc công ty đang tích cực cải cách, hàng loạt biện pháp cải tổ đang được đưa ra lại một lần nữa khiến cổ đông Gỗ Trường Thành đặt ra nhiều dấu hỏi: Đi hay ở với doanh nghiệp này.