“Nằm vùng” bắt cát tặc
Chỉ trong những tháng giữa năm 2020, ngành chức tỉnh Vĩnh Long đã bắt quả tang nhiều vụ hút trộm cát trên sông. Đáng chú ý, có đối tượng từng nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Thiếu tá Hà Thế Vũ, Trưởng Công an xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cho biết, Thanh Bình là xã cù lao, nơi tiếp giáp với tỉnh Bến Tre. Lợi dụng sông ngòi chằng chịt, nhóm cát tặc ra sức hoành hành.
Trước tình trạng trên, công an địa phương đã báo cáo lãnh đạo và tiến hành ngăn chặn. Chỉ trong vài đợt ra quân, lực lượng công an đã bắt quả tang nhiều trường hợp hút trộm cát.
Tuy nhiên, việc bắt quả tang cát tặc cũng không hề đơn giản, bởi các đối tượng này hoạt động có tổ chức, luôn có người cảnh giới, báo động khi gặp nguy hiểm.
Thiếu tá Vũ kể, để qua mặt ngành chức năng, nhóm cát tặc thường chọn thời điểm hoạt động vào lúc nửa đêm và luôn bố trí người cảnh giới 24/24h. Thậm chí, nhóm cát tặc còn tinh vi cho người theo dõi ngược lại cảnh sát.
Vào đợt cao điểm, tại 1 quán cà phê võng gần trụ sở, xuất hiện nhiều đối tượng lạ mặt luôn túc trực ăn ngủ tại đây để “canh” công an nhằm báo động cho cát tặc biết mọi động tĩnh và ứng phó.
Bằng sự mưu trí và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an thường phải “nằm vùng” nhiều ngày liền chờ bắt quả tang. “Khi đó, chúng tôi thường ở ẩn và mang theo mì gói làm lương thực để “đánh án””, Thiếu tá Vũ nhớ lại.
Xử lý cát tặc như “bắt cóc bỏ dĩa”
Theo Thiếu tá Vũ, việc bắt quả tang cát tặc lắm gian nan, thậm chí rất nguy hiểm nhưng khi bắt được các đối tượng trộm cát thường chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính.
Chính vì vậy, sau khi xử phạt hành chính, nhóm đối tượng này lại tiếp tục hút trộm cát và hoạt động càng tinh vi, táo tợn hơn. Nhóm đối tượng này sẵn sàng chống trả lại lực lượng để tìm cách thoát thân.
Hầu như cát tặc không hề sợ khi bị bắt quả tang, bị xử phạt rồi thôi, điều này gây bức xúc trong nhân dân.
Một người dân ở Thành Bình (xin được giấu tên) bức xúc phản ánh với PV, do thu nhiều lợi nhuận bất chính từ việc hút trộm cát nên các đối tượng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư sà lan, máy hút cát.
“Khi bị bắt quả tang thì cát tặc chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đồng, số tiền này không thấm vào đâu so với lợi “khủng” trong việc trộm cát.
Chúng tôi đề nghị, ngành chức năng cần xử lý hình sự cát tặc bằng án phạt tù thật nặng, đồng thời tịch thu phương tiện để răn đe, phòng ngừa chung”, người dân này mong muốn.
Thiếu tá Vũ cho biết thêm, liên quan đến các vụ trộm cát, mới đây, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt 9 tháng tù đối với 1 cát tặc thì tình trạng hút trộm cát trái phép có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, công an địa phương vẫn tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp với các đơn vị liên quan để ngăn chặn tình trạng trộm cát nêu trên.
Clip: Cơ quan công an đang làm việc với Lê Văn Dệ.
Trộm cát liên tục xảy ra
Trước đó, ngày 27/8, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú 2 tháng đối với Lê Văn Dệ, 35 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, khoảng 9h30 ngày 22/6, lực lượng công an bắt quả tang Dệ điều khiển ghe gỗ không số hiệu và máy bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Cổ Chiên, đoạn thuộc thủy phận xã An Phước.
Tại thời điểm bị bắt, Dệ đã điều khiển máy hút được gần 8 mét khối cát lên phương tiện và Dệ không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến việc khai thác cát sông.
Được biết, Dệ đã có 2 tiền sự cũng về hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước.
Hiện, vụ việc đang được ngành chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.