Mục tiêu tăng trưởng cần đi kèm với thúc đẩy cải cách
Chính phủ trong thời gian vừa qua không ít lần bày tỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Với kết quả ước tính trong 6 tháng đầu năm là 5,73%, cả nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ 7,4 % trong nửa còn lại của năm mới mong đạt được kế hoạch đề ra. Không ít chuyên gia đã tỏ ra nghi ngại, cho rằng việc chạy theo kế hoạch ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cân đối vĩ mô trong dài hạn.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào chiều 10/7, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR thông tin sau Quý I tăng trưởng kém tích cực (5,1%), nền kinh tế đã phục hồi trong Quý II (6,17%) với động lực chính đến từ lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp.
“Theo tính toán của VEPR, nền kinh tế sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa còn lại của năm với tốc độ tăng trưởng trong Quý III và Quý IV dự báo đạt 6,66% và 7,01%, tuy nhiên tính trung bình cả năm ở mức 6,37%, thấp hơn khá nhiều mục tiêu của Chính phủ”, TS Thành nhận định, đồng thời cảnh báo nên xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi, các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,... có thể vừa không khả thi, vừa đi ngược lại chủ trương cải cách nền kinh tế.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định Quý II có những kết quả đáng mừng, song vẫn còn đó không ít dấu hiệu đe dọa sự bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng nhờ nhiều vào xuất khẩu của khối FDI khiến khu vực kinh tế trong nước đã khó nay càng ‘ngột ngạt’ hơn:
“Nếu nền kinh tế muốn bền vững thì phải dựa vào khối doanh nghiệp trong nước, chứ không phải lệ thuộc vào dòng vốn nước ngoài. Kinh tế trong nước bao gồm khu vực công và tư. Như đã biết, khối doanh nghiệp nhà nước hoạt động không mấy hiệu quả, hiện đang trong quá trình cải cách song tốc độ vẫn rất chậm chạp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, những khó khăn mà doanh nghiệp nội nêu ra trong cuộc gặp với Thủ tướng hồi tháng Năm vẫn không khác nhiều cuộc gặp cách đây 20 năm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, cho thấy môi trường kinh doanh vẫn chưa có nhiều tiến triển. Các bộ, ngành cơ quan vẫn tìm mọi cách cài cắm các điều kiện, giấy phép con, làm khó doanh nghiệp”.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh lại cho rằng kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng, vẫn còn dư địa và do vậy Chính phủ có lý do để kỳ vọng vào một tốc độ tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm.
“Nếu không đạt được mục tiêu tăng trưởng có thể dẫn tới bội chi ngân sách và nợ công vượt ngưỡng cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên để làm được điều này, Chính phủ cần mạnh tay cải cách hơn nữa nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, chú trọng giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã kêu gọi 2017 là năm tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, song đã qua nửa năm, ngoài lãi suất ngân hàng vừa qua giảm nhẹ thì chưa có nhiều dấu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp vẫn đang bị ‘hành’ với rất nhiều chi phí ngoài pháp luật”, TS Doanh cho hay.
TS Cấn Văn Lực nhận định quyết tâm tăng trưởng 6,7% của Chính phủ là có thể thực hiện được, bằng cách tập trung vào tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm tới 69% GDP trong 6 tháng đầu năm.
“Chúng ta nên ưu tiên phát triển du lịch, với sự tăng trưởng rất tốt trong nửa đầu năm. Một biện pháp nữa là kích thích cho vay tiêu dùng, bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam rất thấp, chiếm khoảng 11% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, so với Trung Quốc (19%) hay Mỹ (51%). Ngoài ra cần đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài, đặc biệt liên quan tới xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng với chúng ta trong những quý tới, bên cạnh đó cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh”, TS Lực ‘hiến kế’.
NHNN giảm lãi suất: Động thái thận trọng
Theo VEPR, tín dụng tính tới 20/6 tăng 7,54% so với đầu năm, cao nhất trong 6 năm trở lại đây, trong khi huy động chỉ tăng 5,89% (cùng kỳ tăng 8,23%), gây ra lo ngại mất thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Theo TS Cấn Văn Lực, nguy cơ trên là có thật, khi mà thị trường tiền tệ vẫn ổn định là do dòng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại hiện khá lớn, đến cuối tháng Tư là 122 nghìn tỷ, tăng 28,4% so với đầu năm.
Tuy nhiên sự ổn định này chỉ là tạm thời, do tốc độ giải ngân đầu tư công đang rất chậm chạp. Vào thời điểm cuối năm, khi các dự án đẩy nhanh giải ngân để hoàn thành kế hoạch, và nếu chênh lệch tốc độ tăng trưởng tín dụng - huy động vẫn lớn như hiện nay, thì kịch bản mất thanh khoản của hệ thống tín dụng là phải tính tới.
Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định giảm 0,25% đối với các loại lãi suất điều hành. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa thuộc lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,5%/năm, gây lo ngại về việc tín dụng tiếp tục tăng trưởng nóng trong nửa còn lại của năm.
Nhận định về diễn biến này, TS Võ Trí Thành cho rằng việc giảm lãi suất vừa qua của NHNN là một biện pháp để Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên với việc tín dụng đang tăng nhanh hơn huy động thì có thể hiểu cách thực thi của NHNN là khá thận trọng, thể hiện qua biên độ thấp, giới hạn ở một số lĩnh vực ưu tiên và cơ quan điều hành cũng chưa vội điều chỉnh trần lãi suất huy động.
Về phần mình, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng lãi suất chỉ giảm 0,25% sẽ không tác động nhiều tới thị trường, và trong bất cứ kịch bản nào, NHNN đủ công cụ để hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 18% như kế hoạch nhằm đảm bảo tăng trưởng không quá nóng.
Trả lời PV Báo Người Đưa Tin, TS Cấn Văn Lực nhận định mục tiêu của NHNN khi hạ lãi suất là muốn giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế. Tuy nhiên động thái này sẽ không phát huy hiệu quả nếu không đồng thời tiến hành các biện pháp hành chính khác, mà quan trọng nhất là cần mạnh tay xử lý nợ xấu để các ngân hàng có dư địa giảm mặt bằng lãi suất. “Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội đã có, quan trọng là thực thi ra sao. Nên nhớ Nghị quyết chỉ có thời hạn 5 năm, bởi vậy nếu không nhanh chân thì sẽ mất đi cơ hội”, ông Lực cho hay, nhấn mạnh:
”Tôi kiến nghị xem xét điều chỉnh Thông tư 06/2016 quy định các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 50% về 40% từ đầu năm 2018, bởi ngân hàng vừa phải huy động vốn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay, vừa phải đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn để đảm bảo Thông tư 06, có thể sẽ tạo ra một cuộc đua tăng lãi suất đầu vào, đi ngược với mục tiêu của NHNN là giảm chi phí cho nền kinh tế.
Huy động USD trong dân để giảm lãi suất Sau ba năm ở mức 0%, nên nâng lãi suất huy động USD lên 0,25% để hút lượng rất lớn ngoại tệ trong dân cư. Hiện lãi cho vay USD ở mức 5%, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 1,5-2%, cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ của nền kinh tế là rất lớn. Mặt khác, các ngân hàng Việt Nam phải vay nước ngoài với lãi suất lên tới 2,5%/ năm đi kèm với rất nhiều điều kiện phức tạp, như vậy nếu huy động được trong nước với lãi suất chỉ khoảng 0,25% là rất rẻ, qua đó giúp hệ thống ngân hàng giảm lãi suất huy động đầu vào. TS. Cấn Văn Lực |
Nghi Điền