Hàng điện tử, hàng gia dụng như máy giặt, ti vi, điều hòa, đài, quạt, nồi cơm điện... ngày đó, Lâm làm thống soái cả vùng Hải Phòng, Hải Dương về đến tận Hà Nội và sang cả Quảng Ninh.
Chợ Sắt-nơi đứa trẻ nghèo hèn Ngô Thế Lâm mộng mị muốn là "doanh nhân đao búa" nay đã đổi khác
"Tuyệt chiêu" kinh doanh của "doanh nhân đao búa"
Bất cứ một nhóm giang hồ nào, kẻ đứng đầu phải có uy lực về tiền, thế lực về quyền và thực lực trong đời sống xã hội - tức sự ảnh hưởng hay cái gọi là "danh giang hồ". Chỉ cần nghe tên, nhiều kẻ vào tù, ra tội, tiền án nhiều hơn... tiền mặt đã muốn xin gia nhập làm đệ tử. Đó là thành công về uy của kẻ cầm đầu. Lâm có đầy đủ các điều kiện đó. Vì vậy, ngày đó những đệ tử trung thành với Lâm không hề ít. Lâm cũng đào tạo một số đệ tử thân tín để họ thay mình giải quyết công việc.
Sự chuyển giao quyền lực này trong giới giang hồ thực chất là một cách của những đại ca. Theo Lâm, chuyển giao quyền lực để đàn em hết mực trung thành, làm việc nhiều hơn, có quyền nhiều hơn, thu nhập tăng lên nhưng thực chất là để đàn anh rảnh tay, đỡ phải va chạm nhiều, làm ông chủ quyền uy, ngồi một chỗ chỉ tay, ra mệnh lệnh. Mà đã mệnh lệnh bằng miệng thì làm gì có bằng chứng để mà đối chiếu nếu lỡ bị công an sờ gáy.
Lâm "già" khẳng định, ông ta khác với Cu Nên, không nuôi quân trong nhà nhưng có chỗ ở cho đàn em tụ tập. Ngày đó là khu kho chứa đồ điện tử ở hồ Lạch Tray. Lâm cũng thường xuyên ở đó cùng đệ tử để chỉ đạo công việc. Giải thích cho việc không nuôi quân trong nhà, Lâm cho rằng: Như thế là sáng suốt. Nhà có mẹ, vợ và 3 cô con gái. Toàn đàn bà con gái, mình đàn ông, làm gì ở ngoài, về nhà hãy để hình ảnh người trụ cột trong gia đình hoàn hảo trước mặt và suy nghĩ của những người thân yêu. Hẳn nào, đến khi Lâm bị bắt, các cô con gái cứ tròn xoe mắt, ngơ ngác không biết sao bố lại bị còng tay như thế.
Trong giới giang hồ, nhất là buôn hàng trắng và sống bằng nghề chém giết thì việc khống chế đàn em bằng những cữ ma túy để phục vụ cho mình là chuyện xưa như diễm. Nhưng Lâm "già" khác những ông trùm khác, dùng kinh tế để buộc quân trung thành với mình. Tất nhiên, trong chuyện làm kinh tế ngày đó có sự cạnh tranh không lành mạnh, có sự tranh giành để mua, bán hàng... mới làm giàu nhanh được.
Hàng điện tử, hàng gia dụng như máy giặt, ti vi, điều hòa, đài, quạt, nồi cơm điện... ngày đó, Lâm làm thống soái cả vùng Hải Phòng, Hải Dương về đến tận Hà Nội và sang cả Quảng Ninh. Rồi thì xe đạp bãi, xe máy bãi thôi thì cứ đủ loại hàng, cứ cái gì có lãi là thủy thủ mang về cho Lâm bán. Hàng đã qua sử dụng rồi - đồ secondhand - ở Nhật ngày đó, người ta đồn rằng, cứ chịu khó đi xin là được chứ chẳng cần mua, chỉ có xe máy thì mới phải mua thôi.
Thực hư thế nào thì chỉ có những tay buôn lậu như Lâm "già" và đám thủy thủ biết. Song, chuyện một vốn đến 5 lời, thậm chí chỉ mất công là có lời là chuyện đã xảy ra trong thời kỳ Lâm đang thống trị những mặt hàng lậu ở Cảng Hải Phòng. Kiếm tiền dễ dàng như vậy mà lại không phải đụng đao búa, súng ống nhiều nên đàn em cứ theo Lâm răm rắp.
Đường đi bí hiểm của những chuyến hàng vượt đại dương
Thủy thủ tàu viễn dương báo ngày giờ tàu cập cảng Hải Phòng, chỉ vài phút sau, người của Lâm có mặt ở cảng, khuân vác đồ, cho lên ô tô tải, vận chuyển về vị trí giấu hàng. Họ cứ làm thế cả đêm. Đêm hôm sau, những chiếc xe này lại chuyển bánh, giao hàng ở mọi điểm như đã định. Lâm "già" khẳng định, dù chỉ nhận và chuyển hàng vào ban đêm nhưng xe chạy ầm ầm như thế cũng khó mà che mắt thiên hạ. Tuy nhiên một số cán bộ quản lý thị trường, công an có "động tĩnh" đều được đám đàn em của Lâm đối xử đẹp nên họ đã làm ngơ. (?!)
Lợi nhuận thu được từ buôn hàng lậu điện tử ngày đó rất lớn. Lúc đó, giới dân buôn lậu cho rằng, Lâm có tới tiền tỷ, nhiều vàng, đô la, bảng Anh nên mới dám thầu những container hàng lậu lớn như thế. Những đại lý lấy hàng của Lâm ngày đó được Lâm giao hàng rẻ hơn vài giá nhưng lúc nào cũng phải trả tiền ngay sau khi nhận hàng, không được nợ.
Có lần, người của Lâm "già" phát hiện chủ đại lý lấy hàng của chủ khác, người của Lâm đã báo quản lý thị trường bắt xe chở hàng lậu để chủ hàng không chuyển hàng đến đại lý được. Chủ đại lý này lại phải cầu cứu Lâm "già" cung cấp nguồn hàng để bán. Lâm phạt, lấy giá gấp đôi, không mua thì không có hàng để bán.
Lâm kể: Chủ đại lý đó ở Hải Dương, bị phạt hai lần liền, sau đó vợ ông ta khóc lóc, lần thứ ba lại lấy giá cũ. Từ đó, đám đàn em cứ thế mà thực hiện phạt đối với những đại lý không chịu nghe lời, bội ước, nhập hàng của kẻ khác.
Khi có kẻ tranh mối giao, bán hàng, Lâm chỉ cần nhắc nhẹ, đám đàn em biết cách xử lý. Phương châm của Lâm "già" là không đánh chém mà dùng uy của giang hồ để dọa nạt, gây sức ép để yêu cầu họ không được tranh bán, mua ở mối đó. Nếu dọa không được thì "xì" cho cơ quan chức năng bắt hàng. Tức là, theo Lâm, đó chỉ là cạnh tranh không lành mạnh, đánh vào kinh tế cho họ hết vốn, không đi buôn được nữa thôi chứ không phải là dao, kiếm để khống chế.
Vũ Hoàng