'Giang hồ gãy cánh' vì viên gạch của trai làng

'Giang hồ gãy cánh' vì viên gạch của trai làng

Thứ 7, 06/07/2013 14:58

Khi hôn nhân không còn hạnh phúc, vợ chồng N.Đ.S. quyết định ly thân.

Trong thời gian này, N.T.S. quen với D.T.L, cô gái xinh xắn kém mình 6 tuổi. Tưởng đã gặp "bến đỗ" hạnh phúc của mình sau những thăng trầm của cuộc đời, thế nhưng S. đâu ngờ, cái ngày chở bạn gái đi chơi lại là ngày mình phải bỏ mạng...

Mất mạng vì tưởng bị gọi là xe ôm

N.T.S sinh ra trong một gia đình khá giả ở thị trấn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngay từ nhỏ, S. đã được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng cha mẹ S. đâu ngờ, đứa con mình nuôi nấng gần 30 năm nay lại không thành đạt theo ý của mình. Điều ấy khiến cha mẹ S. luôn buồn phiền. Ngày S. xin phép bố mẹ cho ra ở riêng, cha mẹ cậu vui mừng phấn khởi. Bởi họ nghĩ, từ nay đứa con trai "trời đánh" của mình sẽ thay tâm đổi tính, trở lại là đứa con ngoan ngày nào.

Nhìn thấy cô con dâu xinh xắn với gương mặt phúc hậu được ăn học tử tế, cha mẹ S. càng yên tâm hơn. Thế nhưng từ ngày có vợ, S. vẫn giữ nguyên bản tính ngang ngược của mình khiến gia đình lúc nào cũng trong tình trạng "căng như dây đàn". Sau một thời gian chung sống với nhau, có với nhau một mặt con, vợ chồng S. quyết định ly thân. 

Trong thời gian ly thân, S. nhanh chóng tìm được bạn gái để "giải sầu". Khoảng 20h20' ngày 27/7/2012, S. chở bạn gái tên L. đi chơi. Vừa đi đến chỗ ngã ba đường quốc lộ 3, rẽ vào thôn nhà bạn gái, thì nghe có tiếng gọi: "L. đi đâu đấy?", S. liền quay xe lại. Vừa dừng xe, S. đã buông lời thách thức: "Mày gọi xe ôm à, mày thích gọi xe ôm thì tao gọi cho mấy thằng đến".

Thực ra Nguyễn Thành Công (SN 1991, Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), người cất tiếng gọi không có ý trêu ghẹo, lâu ngày không gặp nhau, nhìn thấy bạn học của mình, mới gọi hỏi thăm bạn. Chuyện chỉ có vậy, thế nhưng S. lại biến câu nói ấy thành lời thách thức khi rút điện thoại trong túi ra để gọi người đến.

Pháp luật - 'Giang hồ gãy cánh' vì viên gạch của trai làng

Bị cáo Công và Sơn tại phiên toà

Nghĩ S. gọi người đến đánh Công nên L. can ngăn. S. ấm ức lên xe chở L. đi về phía thôn, bỏ mặc Công và Sơn (một người bạn của Công) ở lại trong sự ngỡ ngàng, tức giận. Vừa đi vào thôn được một lát, S. liền quay xe trở lại. Đang tức giận vì bị "kẻ lạ" ở nơi khác đến thách thức, vừa nhìn thấy S. đang cùng L. đi từ trong thôn ra, Công liền bàn với Sơn đánh "dằn mặt" S..

Nói sao làm vậy, dứt lời Công cùng Sơn tìm gạch ném vào đầu S.. Khi S. bỏ chạy, Công và Sơn liền đuổi theo, sau đó đá tới tấp vào người S. cho đến khi S. bất tỉnh mới chịu dừng tay. Dù được L. đưa đi cấp cứu, nhưng S. đã tử vong.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau...

Từ ngày S. mất, bố S. suy sụp hẳn. Dù ngang ngược, thế nhưng S. vẫn được coi là chỗ dựa tinh thần của cha mẹ. Đứng trước toà xin giảm án cho bị cáo, mẹ S. bộc bạch: "Con dại cái mang, có ai muốn xảy ra cơ sự này đâu. Từ ngày S. mất đi, bố S. vì suy nghĩ nhiều, cơ thể suy nhược bị tai biến nằm liệt một chỗ từ đó đến nay. Giờ tuổi già, tôi biết trông cậy vào ai, chỉ mong toà mở lượng khoan hồng, cho bị cáo sớm trở về với gia đình. Âu cũng là cái số mệnh, bởi bị cáo có hoàn cảnh quá đáng thương. Tôi làm thế này với mong muốn để phúc lại cho con cháu".

Có thể nói, đây là phiên toà thấm đẫm nước mắt. Ngay từ khi bị dẫn giải vào phòng xét xử, cả bị cáo Công lẫn Sơn đều không ngừng đưa đôi tay lên gạt vội hàng nước mắt đang chảy dài trên gương mặt non nớt đầy vẻ hối hận. Thi thoảng đôi mắt ấy chợt quay xuống nhìn về phía người mẹ lam lũ với đôi mắt thất thần đang ngồi lặng người bên dưới. Chỉ trong một thời gian ngắn, người mẹ ấy phải gánh chịu liền lúc hai nỗi đau chất chồng.

Cô Nguyễn Thị D., một người họ hàng xa của Công tâm sự: "Đúng là hoạ vô đơn chí. Bố thằng Công cũng bị bạn làm cùng đập chết bằng gạch chưa đầy hai tháng thì thằng Công lại dùng gạch đánh chết người. Từ lúc bố nó chết đi, bà nội, mẹ và em trai nó trông cậy cả vào nó, vậy mà nó cũng rơi vào hoàn cảnh này. Sao số cháu tôi lại khổ như thế này chứ?". Nói rồi, chị D. gạt vội hàng nước mắt đang lăn dài trên gò má của mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công sinh ra trong một gia đình nghèo khó, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Thế nhưng ngay từ nhỏ, bố mẹ Công cũng cố gắng cho cậu ăn học đến nơi, đến chốn cho bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên vì nhà quá nghèo, học hết lớp 12, Công nghỉ học để dành cơ hội đi học cho đứa em trai đang học lớp 9 của mình để ở nhà phụ giúp bố mẹ.

Thế nhưng, cậu chưa kịp giúp đỡ gia đình được gì đã xảy ra cơ sự trên. Trước những tội lỗi mình gây ra, Công bị hội đồng xét xử tuyên án chung thân. Nghe tuyên án xong, Công chỉ biết khóc nấc lên rồi quay đầu về phía mẹ và dặn với cậu em trai gày gò đen đúa đang dìu mẹ ở góc phòng xử án.

Không riêng gì Công, Sơn cũng có hoàn cảnh gia đình vô cùng đáng thương. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khô cằn, nghèo khó của Yên Bái, tuổi thơ Sơn là những tháng ngày cơ cực, lam lũ. Sau khi học xong cái chữ, Sơn tìm đường xuống Hà Nội làm thuê để lấy tiền phụ giúp gia đình. Xuống Hà Nội, Sơn quen và được gia đình Công nhận nuôi nấng. Dù sống trong cảnh nghèo khó, thế nhưng cả hai đều ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn.

Thế nhưng chỉ một phút "bốc đồng", Sơn cũng phải trả giá bằng 20 năm tù khi cùng Công tước đi mạng sống của S.. Cũng như Công, Sơn luôn đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn về phía người thân của mình. Sơn biết mình đã làm họ đau lòng.

Phan Tuấn - Vân Thanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.