Câu chuyện vì miếng bánh xèo người phụ nữ 32 tuổi ở Đà Nẵng bị đánh đến mức mắt phải sưng tím, gãy răng cửa, 3 răng khác bị sứt mẻ, vẹo mũi, mặt bầm. Lúc mới đọc, tôi cứ tưởng là câu chuyện bịa đặt ở đâu đó. Ai ngờ đó là câu chuyện thật, người thật, việc thật.
Đa số mọi người sẽ thấy thương cảm cho cô gái khi bị đánh đến mức như vậy. Còn chàng trai bị lên án, chỉ trích. Đánh người vì miếng ăn đã là sai rồi. Đây lại còn là đấng nam nhi đi đánh phụ nữ thì sao có thể chấp nhận được. Lý do để đánh thì cũng thật là chả đâu vào với đâu, vì giành giật miếng ăn trước – sau.
Tôi nghĩ đa số mọi người sẽ chỉ trích chàng trai như vậy. Riêng tôi, tôi thấy cả hai đều sai, không ai đáng để bênh trong trường hợp này cả. Mà ngọn nguồn cũng là từ cô gái bị đánh cho biến dạng kia mà ra chứ đâu.
Nếu cô biết đến văn hóa xếp hàng, biết đợi chờ thì đâu phải chịu đòn đau đến vậy. Mà cứ coi như cô không biết điều đó đi nhưng cô là con gái biết ăn nói nhẹ nhàng, lựa lời mà nói thì cũng không xảy ra chuyện như vậy.
Đời thuở nào bảo người ta “mi đói lắm hả, đói ta nhường cho” rồi huých bạn gái người ta, mà tôi đoán cái giọng nói cũng chẳng phải dễ nghe. Lời nói, hành động như vậy với bạn gái người ta, người ta là nam nhi chẳng lên tiếng bênh bạn gái. Điều đó cũng dễ hiểu, đúng không?
Hẳn sẽ có nhiều vụ tương tự như vậy xảy ra nếu như ta không nhìn nhận gốc rễ của vấn đề. Nếu mỗi gia đình coi trọng việc dạy con cái văn hóa xếp hàng, dạy con “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, dạy con “học ăn, học nói, học gói, học mở” từ khi còn nhỏ thì chắc không có câu chuyện như đùa kia xảy ra. Quả là những câu nói của người xưa khuyên vẫn còn nguyên giá trị.
Ngẫm thấy, nếu không giáo dục từ vấn đề nhỏ nhất, giáo dục từng con người trong gia đình, thì chắc chắn cảnh đánh nhau giành miếng ăn hay những vụ việc gần đây cô giáo phạt học trò uống nước giẻ lau; phụ huynh bắt cô quỳ gối sẽ vẫn còn xảy ra, gây nhức nhối trong xã hội.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.