"Cuộc chiến” giành lại vỉa hè ở TP.HCM và Hà Nội đang nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của phần lớn người dân. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta phải làm gì để vỉa hè luôn thông thoáng?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ cộng đồng (thuộc Vusta) để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Vừa qua, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu là sẽ xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm trật tự đô thị. Ông đánh giá ra sao về chỉ đạo mới nhất này của lãnh đạo thành phố?
Trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một chủ trương rất hợp lòng dân. Không thể nào để vỉa hè lại bị mất ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Có hai nguyên nhân chính khiến vỉa hè của 2 TP lớn bị chiếm dụng như vậy. Một là người dân sử dụng tùy tiện nơi công cộng để làm việc cá nhân như để xe máy, bày hàng hóa ra bán… Đó là do ý thức.
Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn là tổng lượng xe máy ở các đô thị lớn là quá nhiều. Nó quá tải với các khu gửi xe. Ở TP.Nam Định, Đà Nẵng, cũng người dân ấy nhưng vỉa hè rất thông thoáng, có bị lấn chiếm hết đâu. Thực tế, vỉa hè ở Hà Nội, TP.HCM gần như là một nơi giữ xe máy.
Chúng ta đã nhìn thấy nguyên nhân và phải chữa. Các quyết định gần đây của Hà Nội, TP.HCM là rất quan trọng, dũng cảm. Nhưng việc có làm được lâu hay không thì phụ thuộc vào việc giải quyết nguyên nhân thứ hai. Xe máy để đi đâu? Hà Nội có sáng kiến là một số tuyến của phố cổ cấm xe máy. Một số tuyến phố khác cho để.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu là sẽ xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, đương nhiên nếu quyết tâm làm là được. Ông Chung còn chỉ rõ có bảo kê của chính quyền trong lấn chiếm vỉa hè. Quyết tâm của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng.
Trong nghiên cứu phòng chống tham nhũng, chúng tôi cũng nhìn ra vấn đề này. Chúng tôi từng ví người đứng đầu như nam châm (làm chính sách), người dân như mạt sắt. Nam châm để như nào thì mạt sắt sẽ chạy theo như thế. Người đứng đầu bảo kê cho được bán bia, người dân sẽ bán bia.
Rõ ràng, ý thức của người dân kém khi lấn chiếm vỉa hè nhưng thực tế để tồn tại lâu như vậy là có hiện tượng bảo kê của chính lực lượng chức năng. Vậy làm sao để xử lý được?
Tôi cho rằng, người đứng đầu đã quyết tâm, chính quyền vào cuộc thì việc xử lý bảo kê, tham nhũng vặt sẽ làm được. Bởi qua chia sẻ của lãnh đạo TP.Hà Nội, chúng ta thấy rằng có hiện tượng tham nhũng vặt để bảo kê, dung túng cho việc lấn chiếm vỉa hè của cán bộ chính quyền. Không người dân nào đứng ra bảo kê được việc đó cả.
Chính vì thế, chính quyền quyết tâm làm, quyết tâm trị là được. Việc này cũng giống như đội mũ bảo hiểm, cấm đốt pháo, ở đây là chống tham nhũng vặt trong xã hội về làm sạch vỉa hè.
Lãnh đạo thành phố đã chỉ ra được có bảo kê, dung túng cho lấn chiếm vỉa hè và quyết tâm trị. Nhưng về lâu dài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào thưa ông?
Đúng là về lâu dài, vỉa hè có trở về đúng chức năng của nó được hay không là phải có chỗ để cho người dân để xe máy. Vì nếu không, xe máy treo lên trời à?. Chỗ này là việc khó vì nó mang tính chất quy hoạch, cơ sở vật chất chứ không phải đạo đức nữa.
Hà Nội phải có bãi gửi xe lớn, tiện lợi hoặc hướng lâu dài là không đi xe máy ở trên các tuyến phố trong nội đô nữa. Các nước trên thế giới đa số ở các thành phố lớn, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe buýt, xe điện, đi bộ.
Theo tôi, chúng ta không nên nghĩ rằng ngày mai, ngày kia tất cả các tuyến phố, vỉa hè đều sạch bong, không có xe máy. Bởi hiện nay một số tuyến phố chính không để xe máy, chúng ta đưa sang các tuyến phố phụ. Việc này chắc chắn khiến nảy sinh xung đột.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hà Nội: Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân “Đây là một quan điểm, chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện thái độ quyết liệt của lãnh đạo TP.Hà Nội. Trên thực tế, ở địa bàn của đồng chí lãnh đạo nào ở trên phạm vi rộng đương nhiên phải chịu trách nhiệm về vấn đề xảy ra ở đó. Trong đó, có vấn đề rất quan trọng là lập lại trật tự đô thị. Việc xác định trách nhiệm rõ ràng của người đứng đầu để các đồng chí lãnh đạo thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đôn đốc, chỉ đạo, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tinh thần cao, tôi nghĩ chắc chắn việc này sẽ mang lại hiệu quả". |
Đỗ Thơm (thực hiện)