Chèn môn "tự nguyện" vào giờ chính khóa là sai quy định
Theo báo Công An Nhân Dân, thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, thời gian qua, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: Giáo dục kỹ năng sống; liên kết dạy Ngoại ngữ, dạy Tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn hạn chế, tạo ra dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này. Trong đó, có 2 vấn đề được dư luận đặt ra trong cách thức mà các nhà trường triển khai.
LTS: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học
Vừa qua, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT, THCS, tiểu học trên cả nước cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống. Dù vậy, do công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã có phương án xử lý như thế nào? Xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi tuyến bài “Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học” trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.
Thứ nhất là việc một số trường xếp thời khoá biểu các chương trình liên kết vào giữa giờ các buổi sáng trong tuần. Điều này đặt phụ huynh không có nhu cầu đăng ký cho con học nhưng buộc phải theo để đảm bảo con được ngồi trong lớp học an toàn, không phải ra ngoài khi các bạn khác trong lớp đều tham gia học.
Theo các phụ huynh, việc tăng cường kiến thức, kỹ năng cho các con thông qua các môn học liên kết như tiếng Anh liên kết, Toán tiếng Anh, Kỹ năng sống hay giáo dục STEAM đều cần thiết. Vấn đề đặt ra là cách thức tổ chức triển khai và để thuận lợi cho tất cả phụ huynh, nhà trường nên xếp lịch các môn liên kết sau giờ học chính khoá, khi đó nếu học sinh nào có nhu cầu mới học, em nào không có nhu cầu thì có thể ra về sớm.
Vấn đề thứ hai là việc kiểm soát giá cả, chất lượng các chương trình liên kết khi cùng một môn học nhưng mức thu ở các trường lại khác nhau. Việc kiểm soát chất lượng giảng dạy chương trình vẫn còn chưa chặt chẽ do các môn học liên kết không kiểm tra, đánh giá và không ghi điểm vào học bạ. Bên cạnh đó, do liên quan đến lợi nhuận, ở đây là mức chiết khấu mà các đơn vị liên kết trích lại cho phía nhà trường nên dư luận cũng lo ngại có thể các đơn vị sẽ cố gắng tìm mọi cách để “trúng thầu”, không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng một số chương trình cũng sẽ không cao.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa là sai quy định. Theo ông Tài, khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên, nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên quy định do địa phương quản lý như: Học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM...
Từ đó, xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với chương trình. Nhà trường không được gây quá tải, không ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia.
Bộ GD&ĐT "hành động"
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở rà soát việc liên kết giảng dạy ngoài giờ chính khóa ở trường học, sau khi có ý kiến của phụ huynh học sinh về việc này.
Công văn số 5333/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về việc rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên vừa được ban hành ngày 28/9.
Theo đó, Bộ GD&ĐT nhận định, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa như giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học còn có hạn chế dẫn tới dư luận không tốt về loại hình giáo dục này.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT thực hiện hai việc như sau:
Một là tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Hai là báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương bao gồm: công tác chỉ đạo của Sở GD&ĐT, công tác triển khai tại các cơ sở giáo dục, những thuận lợi khó khăn cùng các đề xuất, kiến nghị và tổng hợp số liệu gửi về Bộ trước ngày 15/10.
Phần tổng hợp số liệu này, các địa phương phải báo cáo chi tiết tên các hoạt động giáo dục, thời lượng thực hiện, kinh phí học sinh phải đóng/năm học, tên đơn vị liên kết, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên tham gia phối hợp và giảng dạy các tiết học liên kết, cơ sở vật chất bố trí thực hiện (số phòng học, lớp học)...
Trước đó, như phản ánh nhiều trường học tại Hà Nội và Tp.HCM, nhất là trường tiểu học, đưa các tiết học liên kết vào lịch học chính khóa. Mặc dù đây là các tiết học tăng cường, mang tính tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh không dám không "tự nguyện".
Giáo viên một trường tiểu học tại quận Thủ Đức, Tp.HCM còn nhắn tin trên nhóm phụ huynh rằng "Ai không đăng ký (học môn tự nguyện) phải ra khỏi lớp".
Bên cạnh đó, gánh nặng đóng góp của cha mẹ học sinh cũng tăng lên theo các tiết học liên kết "tự nguyện trong ép buộc" này. Trung bình, mỗi học sinh tham gia đầy đủ các tiết học liên kết phải đóng thêm từ 300-700 ngàn đồng/tháng.
Một số trường thậm chí không thông báo cho phụ huynh về các tiết học liên kết. Đầu năm học, giáo viên đưa thời khóa biểu cho phụ huynh. Phụ huynh cho con học theo thời khóa biểu mà hoàn toàn không có hướng dẫn nào về được quyền tự chọn học hoặc không học tiết liên kết. Tiết học liên kết nghiễm nhiên được xem là tiết học chính khóa mà 100% học sinh phải học.
Nhiều "lỗ hổng" trong quản lý dạy liên kết?
Thông tin thêm trên báo Thanh Niên, những bất cập, lúng túng về việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm do thiếu hành lang pháp lý được cử tri và ngành GD&ĐT các địa phương kiến nghị nhiều tới Bộ GD&ĐT thời gian vừa qua.
Trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi luật sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường không còn hiệu lực.
Tuy vậy, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Thông tư 17 cũng nêu rõ: không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…".
Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 17 cũng được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là đã lỗi thời khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống"…
Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, giáo dục địa phương, tiếng Anh, tin học; âm nhạc, mỹ thuật,… đã đưa vào là các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng thiết kế bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học.
Do vậy, không lý do gì lại được phép dạy thêm tại trường tiểu học các hoạt động như tăng cường kỹ năng sống, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 17 nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Vẫn chưa khảo sát hết nguyện vọng?
Một cán bộ Sở Nhiều ý kiến cho rằng, Tp.HCM cho biết có thực tế là việc sắp xếp thời khóa biểu tại một số cơ sở giáo dục chưa thật sự hợp lý, chưa khoa học, khiến phụ huynh phản ứng. Kể cả việc tổ chức các câu lạc bộ có thu phí cũng chưa thật sự khảo sát hết nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh, dẫn đến những ý kiến không hài lòng.
"Sở GD&ĐT thành phố ghi nhận hết những ý kiến này và đã chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị giáo dục trong công tác quản lý, tổ chức, truyền thông cho phụ huynh. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức họp nhằm thông tin cụ thể, rõ ràng với các phòng GD&ĐT để các đơn vị nắm rõ cụ thể từng nội dung, triển khai xuống các trường nhằm thực hiện cho đúng" - vị này chia sẻ với báo Dân Trí.
* Đón đọc bài 7: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong nhà trường: Nhiều địa phương tạm dừng để kiểm tra, rà soát (7h sáng ngày 20/10 trên mục Giáo Dục, Tạp Chí điện tử Người Đưa Tin)
Trúc Chi (t/h)