Các chương trình liên kết có đang bị "thả nổi"?
Thời gian gần đây, phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành phản ứng với chương trình liên kết trong nhà trường về giá cả và cách thức thực hiện. Đặc biệt, các tiết học này được nhiều nhà trường xếp vào lịch chính khóa, ảnh hưởng tới những học sinh không có nhu cầu học. Chưa kể, vấn đề ai sẽ giám sát và đánh giá chất lượng các tiết học liên kết vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, thuyết phục.
LTS: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học
Vừa qua, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT, THCS, tiểu học trên cả nước cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống. Dù vậy, do công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã có phương án xử lý như thế nào? Xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi tuyến bài “Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học” trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.
Bàn về chất lượng, bà Thanh Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) - Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Thái Bình trao đổi với báo Dân Trí, bà từng mở tài liệu của một công ty đến đề nghị liên kết ra xem thấy toàn chương trình cũ. Khi hỏi cụ thể, người đi kết nối đôi khi cũng không hiểu gì về giáo dục mới, nữ hiệu trưởng bày tỏ.
Qua kiểm tra, giám sát liên kết đào tạo ngoại ngữ năm học 2022-2023, Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện một số tồn tại như: Trung tâm chưa phối hợp với cơ sở giáo dục xây dựng và dự toán thu chi theo quy định của HĐND tỉnh; chưa phối hợp với các trường đưa kế hoạch bài dạy tiếng Anh vào kế hoạch tuần, tháng.
Các trung tâm còn chưa phối hợp với cơ sở giáo dục rà soát, thống nhất cơ sở vật chất, trang thiết bị; một số giáo viên người nước ngoài chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia giảng dạy tiếng Anh...
Cơ quan báo chí từng phản ánh hiện tượng nhiều sinh viên chưa có chứng chỉ, bằng cấp và nghiệp vụ sư phạm nhưng chỉ cần qua một vài buổi đào tạo "thần tốc" của trung tâm kỹ năng sống sẽ được gắn mác "giáo viên" kỹ năng sống và đưa đi giảng dạy tại các lớp liên kết trong trường học.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại Vĩnh Phúc, các nhà trường nên công khai cho phụ huynh biết đâu là tiết chính khoá, đâu là tiết tăng cường liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường để có sự lựa chọn phù hợp cho con mình.
Mặt khác, nhà trường cần đảm bảo việc đăng ký phải hoàn toàn tự nguyện chứ không ép buộc dưới mọi hình thức. Những em không đăng ký học các tiết này phải được học tập, rèn luyện bình thường.
Cùng chủ đề, ông Trần Mạnh Tùng (giáo viên tại Hà Nội) đặt nghi vấn chất lượng các chương trình liên kết có đang bị "thả nổi"?
"Theo quy định, các đơn vị tổ chức các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp đã được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định vì thế xã hội lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, do liên quan đến lợi nhuận nên có thể các đơn vị sẽ cố gắng để "trúng thầu", không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo. Ông Tùng cho rằng trách nhiệm quản lý việc đào tạo liên kết thuộc về hiệu trưởng nhà trường và lãnh đạo ngành GD&ĐT.
Theo ông Tùng, về phía các cơ quan quản lý đã không có những hướng dẫn đầy đủ, giám sát có hiệu quả nên việc triển khai mỗi nơi một kiểu dẫn đến những bức xúc trong dư luận xã hội những ngày qua.
Về phía nhà trường, hiệu trưởng là người quyết định việc này và chịu trách nhiệm toàn diện với việc liên kết cũng như các sai phạm nếu có.
Nên cấm triệt để việc dạy tăng cường, dạy liên kết nhằm… giảm bức xúc
Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương cho biết, có nhiều phụ huynh vì điều kiện khác nhau mà không cho con học các tiết liên kết tại trường.
Điều 4 của Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định, các trường không được dạy thêm với học sinh học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống.
Thông tin trên Giáo Dục Thời Đại, Bà Hương bày tỏ băn khoăn, tại sao các trường phải thiết kế thêm các tiết dạy tăng cường xen vào giờ học chính khóa. Không lẽ Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành không đủ để đào tạo học sinh một cách toàn diện?
Hơn nữa, trong chương trình phổ thông chính khóa của tiểu học kéo dài 7 tiết mỗi ngày, tức từ 8 giờ sáng đến khoảng 15 giờ 30 chiều. Điều này có nghĩa là, trong khoảng thời gian này học sinh phải được học chính khóa một cách trọn vẹn; còn các môn/ hoạt động giáo dục liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường phải được bố trí sau khung giờ này để học sinh tự chọn.
“Điều phi lý này phụ huynh biết nhưng không dám ý kiến. Một phần do tâm lý ngại va chạm hoặc lo con mình bị “trù dập”. Vì thế, nhiều người phải tự nguyện đăng ký nhưng trên tinh thần bắt buộc”, TS Vũ Thu Hương nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng những em không học tiết liên kết trong khung thời gian chính khóa có thể thỏa thuận với nhà trường để bố trí thầy cô trông ở một phòng chức năng, hoặc tổ chức hoạt động nào đó để không phải đứng hành lang.
Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương không đánh giá cao phương án và cho rằng khó thực hiện. Bởi, giáo viên trông có được tính tiền thừa giờ không hay huy động kinh phí từ phụ huynh? Do đó, đã đến lúc các địa phương cấm triệt để việc triển khai dạy tăng cường, dạy liên kết trong giờ chính khóa để giảm bức xúc, thiệt thòi cho phụ huynh học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - nhấn mạnh tới đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết trong nhà trường. Theo ông, Sở GD&ĐT địa phương cần chú trọng hơn nữa vào công tác thẩm định chương trình nhằm ngăn chặn tình trạng chương trình chưa đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào nhà trường.
* Đón đọc bài 5: Dạy liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường từ chối “đắc tội” cấp trên (7h sáng ngày 18/10 trên mục Giáo Dục- Tạp chí Điện tử Người Đưa Tin)
LAM ANH (T/h)