Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường không “bỏ rơi” học sinh nếu không học liên kết

Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường không “bỏ rơi” học sinh nếu không học liên kết

Lê Thị Duyên

Lê Thị Duyên

Thứ 2, 16/10/2023 07:00

Trước những ý kiến bức xúc học sinh không học liên kết sẽ “bơ vơ” lãnh đạo một số trường khẳng định họ không “bỏ rơi” học sinh nếu không học liên kết.

Trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Trả lời phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Trần Kim Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây - khẳng định sẽ không "bỏ rơi" học sinh nếu không học liên kết.

Vị Hiệu trưởng nói: "Tôi sẽ kiểm tra và quán triệt lại với giáo viên. Nhà trường không chủ trương cho học sinh ra khỏi lớp nếu không đăng ký. Nếu giáo viên quán triệt như vậy là sai với chỉ đạo".

Bà Kim Hoàng chia sẻ nhà trường bị áp lực về sĩ số khi có tới 3.000 học sinh và 68 lớp học. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất không cho phép nên không thể tổ chức học 2 buổi/ngày. Nhà trường linh động sắp xếp phòng học để được học 8 buổi/tuần.

LTS: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học

Vừa qua, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT, THCS, tiểu học trên cả nước cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống. Dù vậy, do công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã có phương án xử lý như thế nào? Xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi tuyến bài “Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học” trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.

Ngoài lịch học chính khóa theo chương trình khung, thời gian còn lại các em sẽ học môn tự chọn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Hiệu trưởng cho biết, như các năm trước, đại đa số phụ huynh mong muốn các tiết học được tổ chức học trong giờ để tiện đưa đón con về nhà nghỉ ngơi.

Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí học tự chọn trường cũng sẽ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập danh sách và đưa ra phương án miễn phí học cho các em. “Không để học sinh khó khăn không có tiền đăng ký học phải ra khỏi lớp", bà Kim Hoàng khẳng định.

Trong trường hợp phụ huynh không đồng ý cho con học môn liên kết (vì không muốn chứ không phải thiếu tiền đóng), cha mẹ có thể đón con về sớm hoặc nhà trường sắp xếp cho các bé lên thư viện đọc sách hoặc tổ chức các hoạt động khác.

Thông tin trên Tuổi Trẻ Online, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM cũng vừa chỉ đạo nếu lớp có học sinh không tham gia môn tự nguyện thì trường không được xếp lịch môn tự nguyện vào giờ chính khóa.

Thông tin trên được Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM chỉ đạo các trường tại Hội nghị giao ban tiểu học và THCS ngày 4/10.

Cụ thể, việc xếp thời khóa biểu học tập được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu: "Nhà trường không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được xếp lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có những học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia.

Việc sắp xếp cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng ký của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác.

Đối với những học sinh không đăng ký, nhà trường có thể sắp xếp cho học sinh tham gia các câu lạc bộ, hoạt động khác phù hợp do giáo viên nhà trường thực hiện trong cùng khung giờ".

Giáo dục - Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường không “bỏ rơi” học sinh nếu không học liên kết

Việc sắp xếp cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường. Ảnh minh họa.

Không học thì con tôi đi đâu, làm gì, ai quản lý?

Trước đó, báo Thanh Niên dẫn lời của chị A., phụ huynh có con học tiểu học tại Q.12, Tp.HCM cho biết cô giáo đã gửi thời khóa biểu dự kiến, trong đó, xen giữa các môn bắt buộc ở cả buổi sáng và chiều thì có các môn tự nguyện như bơi lội, ismart, kỹ năng sống, STEM (lớp chưa họp phụ huynh nên hiện tại con chưa học các môn này). "Nhưng nếu tôi không đăng ký cho con tôi học các môn 'tự nguyện' trên, thì không biết trong thời gian chính khóa trên, các con sẽ ngồi ở đâu, làm gì, ai quản lý các con, bởi vẫn chưa đến giờ tan học?".

Chị V., PH một HS lớp 1 tại Q.1 (Tp.HCM), kể trong buổi họp PH đầu năm, cô giáo chủ nhiệm thông báo năm học này dự kiến các bé học môn tin học quốc tế, toán STEM, khoa học tự nhiên STEM và hỏi có PH nào không đăng ký cho con học không. Trong lớp có một PH hỏi là "nếu bé nhà tôi không học thì giờ đó bé làm gì ạ?". Cô giáo trả lời: "Dạ thường thì trước giờ cả lớp đều học hết á mẹ". Chị V. và các PH khác đều nhìn nhau: "Thế thì mình cũng đăng ký cho con học chứ chẳng nhẽ bạn học còn con mình ngồi đó tội nghiệp", dù các khoản phải đóng thêm cũng khá nhiều tiền.

Một PH có con học lớp 3 ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết lớp con chị có 3 môn liên kết là toán tiếng Anh, tiếng Anh với người nước ngoài và STEM. Các môn học này được xếp lịch chủ yếu trong TKB chính khóa. Vì vậy, dù muốn hay không, tất cả HS trong lớp đều tham gia. Học phí cho 3 môn này khoảng hơn 700.000 đồng/tháng. Đầu năm học, khi có PH thắc mắc thì cô giáo cũng không ép nhưng nói rằng các năm trước và ở các lớp khác, 100% HS đều tham gia. Nếu HS không học các tiết tăng cường thì chỉ có cách là tự học ở thư viện hoặc chơi trong sân trường. Cô khuyến cáo PH nên đăng ký cho con học để tránh trường hợp con "bị lẻ loi".

Một PH khác ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cung cấp một TKB có đến 4 tiết tiếng Anh đều là tiết học liên kết gồm 2 tiết tiếng Anh Ismart, 1 tiết tiếng Anh tăng cường và 1 tiết tiếng Anh với giáo viên (GV) nước ngoài. Các PH đều có chung bức xúc về vấn đề giờ học tăng cường lại xen kẽ vào giờ học chính khóa, đẩy các em HS vào tình huống không thể đi về vì còn chờ đến giờ học bắt buộc tiếp theo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát hoạt động giáo dục tự nguyện

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành rà soát về tình hình hoạt động liên kết trong nhà trường mầm non, phổ thông để báo cáo về bộ trước ngày 15/10.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp: giáo dục kỹ năng sống; liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường… theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

* Đón đọc bài 4: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Chương trình dạy liên kết đang bị “thả nổi” (7h sáng 17/10 trên mục Giáo Dục, Tạp chí Điện tử Người đưa Tin)

LAM ANH (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.