Bỏ mặc quá lâu rồi
Theo kết quả nghiên cứu về sức khỏe gia đình Việt Nam do viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tiến hành gần đây, trong số hơn 5.000 người (từ 18 đến 65 tuổi được hỏi, tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân là gần 23%, trong đó nam giới hơn 33%, ở nữ là gần 14%. Cứ năm nam giới được hỏi thì một người cho biết có quan hệ tình dục với người vừa mới quen, so với nữ là 2%. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu sớm nhất là 12. Bên cạnh đó, hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu chia sẻ không biết gì về tình dục khi ở độ tuổi 14. Trong khi đó, tỷ lệ nạo phá thai lại rất cao, lên đến gần 20% số nữ giới được hỏi. Đặc biệt, khoảng 13% phụ nữ chưa kết hôn, nhưng từng có thai.
Tiết học ngoại khóa về khám phá cơ thể
Có thể nói, sự gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm, có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của vị thành niên…, đã trở thành nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Thế nhưng, đến nay, quan điểm đối với giáo dục tình dục: Cấm đoán, bỏ mặc hay định hướng, dẫn dắt vẫn chưa được xác định rõ ràng. Thạc sĩ Trần Giang Linh, viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, ở Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm phổ biến coi tình dục là bản chất tự nhiên, không cần phải dạy. Vì thế, nhiều người lo ngại, nếu nói quá "sớm" thì thanh niên quan hệ sẽ sớm hơn.
Mặc dù các vụ án, các câu chuyện đau lòng và một đời sống tự do về tình dục đang diễn ra vừa âm thầm vừa công khai, thế nhưng trong khi thanh thiếu niên Việt Nam bị "bịt mắt" thì gia đình và xã hội lại trông chờ họ vẫn "bắt được dê", hy vọng từ mò mẫm tới đời sống tình dục lành mạnh và an toàn", thạc sỹ Giang Linh cho biết.
Trong bức thư của một cô giáo dạy THPT ở Nghệ An gửi tới Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội có đoạn: "Có thiếu nữ bảo mấy hôm nay em ăn không được, mua que về thử thì thấy hai vạch rồi. Mấy hôm sau, em đó thản nhiên nói đã xử lý xong. Có cậu trai hỏi" "Chúng em vừa quan hệ xong, đặt thuốc tránh thai khẩn cấp có được không?...".
Theo tiến sỹ Hồng, những điều mà cô giáo đó kể cũng chính là thực trạng mà thanh thiếu niên Việt Nam đang phải trải qua ngày hôm nay. "Tôi đã nghe những lời tâm sự của các cô gái vì không thể thuyết phục bạn trai dùng biện pháp ngừa thai để rồi phải trải qua biết bao đau đớn dằn vặt khi phải bỏ đi kết quả tình yêu của họ. Có những người phụ nữ lại bị chồng hắt hủi vì bị nghi ngờ không còn trong trắng… Đau lòng hơn cả là chuyện những đứa trẻ non nớt bị xâm hại tình dục".
"Đã đến lúc chúng ta phải có thái độ dứt khoát. Chúng ta không thể "nhốt hươu'" mãi được nữa, không thể bỏ mặc cho "hươu chạy" để rồi đuổi theo kêu cứu. Mà ngược lại, chúng ta cần phải chỉ cho "hươu" chạy đúng đường, để xóa mù về tình dục"- tiến sỹ Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Tư vấn sức khoẻ sinh sản cho học sinh
Đừng để "hươu" chạy sai lối
Phạm Trung Hiếu - cựu sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, người từng hoạt động trong nhiều chương trình xã hội về HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản..., cho hay, mặc dù giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đã được đưa vào trường phổ thông từ rất lâu nhưng qua thực tế, có rất nhiều sinh viên, học sinh không có kiến thức hoặc có những hiểu biết sai lệch về sức khỏe sinh sản và quan hệ tình dục an toàn. Chẳng hạn, ở một chương trình về phòng chống HIV/AIDS, có nhiều nam sinh viên không biết sử dụng bao cao su đúng cách. "Họ chỉ biết xé bao và cho vào dụng cụ (dương vật giả), chứ không hề đọc hướng dẫn cũng như hạn sử dụng trên bao bì" - Hiếu chia sẻ.
Ở một góc độ khác, thạc sĩ Trần Thị Huyền, (ĐH An Giang) cho biết, học sinh rất thích học nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, nhưng không dám học công khai, vì còn tâm lý ngại ngùng, xấu hổ. Trong khi đó, giáo dục sức khỏe sinh sản chưa trở thành một môn học nên giáo viên chỉ dạy dưới dạng lồng ghép. Ngoài ra, phương pháp dạy của giáo viên không thu hút học sinh, giáo viên còn né tránh khi dạy các nội dung này. Vì thế, thay đổi những trở ngại tâm lý của các em khi học các nội dung này là việc làm không đơn giản. Tuy nhiên, có thể hạn chế tối đa những trở ngại đó bằng các phương pháp dạy học tích cực và thảo luận nhóm. Đồng thời, chính thầy cô cũng cần có chuyên môn vững về nội dung này và gỡ bỏ rào cản tâm lý của chính mình khi dạy về sức khỏe sinh sản.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, (viện Khoa học giáo dục Việt Nam), đề nghị nên vẽ để "hươu chạy đúng đường". Bà Mai cho rằng, chính tâm lý ngượng ngùng, ngại động chạm đến vấn đề tình dục là rào cản lớn nhất làm thanh niên hổng kiến thức về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản. Về vấn đề này, theo bà Mai, phải có sự đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để việc giáo dục giới tính hiệu quả hơn. "Trách nhiệm của người lớn là đừng để hươu chạy sai lối"- bà Mai nói.
Mải mê thảo luận, "hươu vẫn chạy sai đường" Đành rằng, đã có không ít các giải pháp được nêu lên, nhưng cho đến nay, chưa có câu trả lời nào nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, mặc dù đã có sự thừa nhận rộng rãi rằng chưa có đường nhưng hươu đã chạy rồi và đã chạy từ lâu. Quả thật những gì được coi là giáo dục tình dục ở Việt Nam chưa làm ai hài lòng. Từ năm này qua năm khác, các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn mà chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Những người được cho là "cấp tiến" đề xuất các giải pháp "cởi mở" - cung cấp thông tin toàn diện và trực tiếp cho vị thành niên. Nhóm "thận trọng" lại quan ngại những hệ luỵ của sự "biết quá nhiều" đối với giới trẻ. Trong khi các bên vẫn mải mê tranh luận thì ngày càng nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra, với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và không chỉ còn là vấn đề của giới trẻ. |
Uyên Na