GS. TS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, năm 2013 Bộ nên cho các trường nếu còn chỗ, còn thầy thì được tuyển học sinh vào học, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề trường đủ chỗ và học sinh được vào học, làm như vậy sẽ tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có, giảng viên sẵn có.
Sau đó, đối với những học sinh này có thể bồi dưỡng kiểm tra lại bằng cách học theo tín chỉ, nếu đủ tín chỉ sẽ cho vào học tiếp, nếu Bộ làm chặt hơn có thể cho học sinh đi học theo diện dự bị, cuối năm sẽ có kiểm tra và nếu đủ điều kiện sẽ được ở lại học tiếp hệ chính quy.
GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng
Theo hiệu trưởng Nghị, việc cấp cho thí sinh hai giấy chứng nhận kết quả thi, các em được quyền photo gửi nguyện vọng ở nhiều trường cũng khiến trường mất ổn định. Thời gian tuyển sinh kéo dài 3 tháng nên một số em có thể đến nhập học ở trường dân lập, khi trường công lập gọi trúng tuyển, các em lại đi. Điều này khiến các trường nơm nớp lo mất sinh viên.
"Nếu có quy định điểm sàn cho thí sinh được nhà nước bao cấp như: trên 20 điểm được vào học đại học công lập, dưới 20 điểm học ngoài công lập thì sẽ công bằng hơn. Nếu cứ để trường công lập thoải mái hạ điểm chuẩn xuống đến sàn thì sẽ mất công bằng khi các em có cùng điểm thi lại phải chịu mức học phí khác nhau", thầy Nghị đề xuất.
Những cải tiến của Bộ GD – ĐT nói trên đã gây ra nhiều khó khăn cho các trường NCL, tôi nghĩ đây là cải lùi chứ không phải cải tiến.
Nhiều trường dân lập thiếu chỉ tiêu năm nay (Ảnh: Phan Chính)
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện nay tại sao vấn đề tuyển sinh lại khó khăn và phức tạp tới vậy? Thực sự có sự công bằng giữa các trường công lập và NCL chưa? PGS Hùng khẳng định – chưa công bằng.
Cần phải nói thêm, hiện nay một số tỉnh không nhận sinh viên tốt nghiệp dân lập vào làm việc đã là thiếu công bằng với trường dân lập, việc các tỉnh như Nam Định, Đà Nẵng công khai không nhân sinh viên NCL là một việc làm nhằm hạn chế trường NCL tuyển sinh – ông Hùng nhận mạnh.
Theo ông Hùng, không công bằng ở chỗ hai em chênh nhau 0,5 điểm nhưng một em vào học trường công lập được nhà nước hỗ trợ, học phí thấp, trong khi đó những em khác cũng là con em công dân, cũng phải đóng thuế, cũng là công dân tương lai lại không được hỗ trợ gì, vì vào học trường ngoài công lập.
Điều đó tạo nên sự bất cập, những bất bình đẳng ban đầu sẽ dẫn đến nhiều bất cập sau này. Vấn đề nữa, theo PGS Hùng hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập đã vét thí sinh tới tận đáy điểm sàn, việc các trường NCL ở vùng sâu, vùng xa không thu hút được người học là điều đương nhiên.
Ông Nguyễn Ngọc Chu - chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á cho rằng, Nền giáo dục của Việt Nam đi ngược với các nước là thắt chặt đầu vào và thả đầu ra. Nói về giáo dục và đào tạo thì chúng ta đang làm không đúng, đào tạo thừa nhiều thứ. Tôi lấy vi dụ ở Nga đào tạo đại học là 4 năm, ở Mỹ cũng 4 năm, ở Anh 3 năm, chúng ta đào tạo mất 5 năm.
Theo tôi chúng ta dạy chưa đúng thực chất, học cũng không đúng, lỗi ở đây là của Bộ GD – ĐT, lớn hơn nữa là của chính phủ, bởi cách quản lý chồng chéo – ông Chu bức xúc.
P. Chính