Vấn đề cải cách giáo dục luôn là một đề tài nóng bỏng của mọi giai đoạn. Nhưng có lẽ, hiện nay, khi học sinh đã lên tiếng thẳng thừng, hơn lúc nào hết, nó trở nên cần được quan tâm một cách đúng mức nhất.
Tôi đã được xem nhiều ý kiến từ các em học sinh. Là một học sinh đã tốt nghiệp cách đây rất lâu, nhưng soi rọi lại, hiện nay, tôi càng thấy rõ ước mơ của các em về một nền giáo dục trở nên gần gũi hơn, hấp dẫn hơn, đỡ áp lực hơn và trở thành một đòn bẩy thúc đẩy sự sáng tạo và nung đúc những niềm đam mê của giới trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia đang có ý kiến làm sao để học sinh học được nhân cách, đạo đức làm người, và nhiều thứ căn bản để trang bị cho các em đủ độ cứng cáp khi bước chân vào đời. Một vấn đề đặt ra mà nhiều nhà giáo dục cũng như các em học sinh quan tâm là học bao nhiêu năm là đủ để chuyển sang bước định hướng cho tương lai. Có người bảo 9 năm, có người thì 12, thậm chí có người quay lại 10 năm.
Bây giờ chúng ta hãy đi từng bước để làm sáng tỏ vấn đề học bao nhiêu là đủ. Tôi cho rằng, cách đặt vấn đề của nhiều nhà giáo dục, cũng như em học sinh “Châu Chấu” đưa ra trên video clip gây chấn động là giáo dục phải đảm bảo vừa hồng, vừa chuyên là không thể chối cãi. Điều đó không có gì mới mẻ cả. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ai ai cũng nói như thế.
Và trong những nền giáo dục tiên tiến nhất, mọi người nghiễm nhiên thừa nhận rằng, một con người để đủ độ chín, có thể ra đời kiếm sống phải đủ 18 tuổi. Như vậy, trong suốt giai đoạn từ bé đến 18 tuổi, rõ ràng, các em cần sự giáo dục của nhà trường, sự bảo trợ về mọi mặt của gia đình, và sự quan tâm giúp đỡ của xã hội. Cho nên, dù muốn dù không, tôi vẫn bảo vệ quan điểm là các em cần ngồi trên ghế nhà trường ngần ấy năm.
Tất nhiên, trong cái đại trà, vẫn xuất hiện những cái cá biệt. Có nghĩa là có những thần đồng có thể hoàn thành toàn bộ chương trình nhanh hơn nhiều. Hoặc có nhiều em lại có xu hướng thích phát triển về hoạt động thể chất hơn là hoạt động về trí óc. Cho nên, có khi học đến lớp 9, có nhiều em đã không còn mặn mà đối với việc học. Trong trường hợp này, tôi thấy, nhiều gia đình đã có quyết định cho con của họ được học một nghề gì đó để đảm bảo cuộc sống về sau.
Kỳ sau chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp đến bạn đọc nội dung về nền giáo dục Việt Nam của độc giả này.
Phạm Quốc Sử